Tái cấu trúc nền kinh tế và đòi hỏi về một nền kinh tế xanh

Thứ ba - 29/05/2012 19:25
Nhiều năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Việt Nam đã phải trả giá không nhỏ cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đang mở ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững...

Tuy nhiên, làm sao để thực hiện kinh tế xanh trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước gặp khó, nguồn lực (vốn, công nghệ, nhân lực..) còn hạn chế đang trở thành bài toán khó đối với Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa vào khai thác tài nguyên là chính, trong khi việc phân bổ và sử dụng “nguồn vốn tự nhiên” lại kém hiệu quả và lãng phí. Chất thải gây ô nhiễm môi trường không được quản lý và xử lý tốt, tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính ở vào hàng cao nhất trên thế giới.

Ngoài ra, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới nên tiêu tốn nhiều năng lượng, kéo theo năng suất chất lượng thấp. Nghiêm trọng hơn, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang suy giảm mạnh, diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, tài nguyên không tái tạo dần cạn kiệt, nguồn lợi thủy sản giảm dần… Hơn nữa, do bị xếp vào danh sách một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nên hướng tới nền kinh tế xanh là lựa chọn hợp lý hiện nay đối với Việt Nam.

Nhiều thuận lợi

Việt Nam hiện nay có những điều kiện thuận lợi nhất định để hướng nền một nền kinh tế xanh, cụ thể:

Thứ nhất, Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đây chính là cơ hội để Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanh. Mới đây, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao Dự thảo Khung Chiến lược Tăng trưởng xanh 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam với mục tiêu tổng quát là nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam thành một mô hình dựa trên việc phát thải các-bon thấp, sản xuất và tiêu dùng xanh cùng với tái cơ cấu nền kinh tế để tăng trưởng kinh tế gắn kết hiệu quả hơn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự kiến, Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 năm 2012. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, Chiến lược này sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những rủi ro môi trường và thiếu hụt về sinh thái.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Hơn nữa, những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian phát triển vừa qua đối với đất nước sẽ giúp người dân nhân thức được tầm quan trọng của lựa chọn kinh tế xanh. Quả thật, sau một thời gian dài phát triển, người dân đã nhận thức được những hậu quả và sự trả giá cho mô hình phát triển của nền kinh tế nâu - nền kinh tế khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước và đại dương, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học…

Thứ ba, Việt Nam đang hội tụ những điều kiện thuận lợi từ điều kiện tự nhiên, xã hội đến chủ trương, chính sách để tiến hành xanh hóa nền kinh tế. Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới Nền kinh tế xanh. Theo TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, dân số, xã hội có thể làm tiền đề tốt cho kinh tế xanh, trong đó phải kể đến tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển năng lượng sinh học, sinh khối từ gỗ, phụ phẩm công nghiệp…

Không ít thách thức

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức:

Thứ nhất, nhận thức về một nền kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện. Quả thật, những băn khoăn như thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh có sự khác biệt như thế nào so với trước đây và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay không phải dễ trả lời.

Thứ hai, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các-bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường…. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới.

Thứ ba, huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu Xây dựng nền kinh xanh cũng là một trở ngại lớn. Dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế xanh. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, việc huy động nguồn vốn không chỉ trong nước mà cả bên ngoài cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ tư, các cơ chế chính sách hướng tới thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh cũng không hề đơn giản khi chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Thứ năm, ngành sản xuất năng lượng sạch như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… chưa phát triển. Các ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế… còn yếu kém. Hơn nữa, một số ngành sản xuất thân thiện với môi trường còn ít, luôn gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra sản phẩm không ổn định, lợi nhuận thấp…

Tái cấu trúc cần hướng đến nền kinh tế xanh

Mới đây, Liên hợp quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các chiến lược giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để giúp thế giới tăng tốc quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Động lực thúc đẩy từ các doanh nghiệp sẽ khiến Chính phủ các nước “tạm dừng việc bàn cãi” để nhanh chóng chuyển từ nền kinh tế gây ra quá nhiều hậu quả cho môi trường sang chu kỳ mới của tăng trưởng bền vững và lành mạnh (tăng trưởng xanh hoặc kinh tế xanh), góp phần tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo và ổn định khí hậu toàn cầu.

Trên thực tế, ý tưởng phát triển kinh tế xanh được đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng giai đoạn 1972-1973 gây ra những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đến nay, khi bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khi khủng hoảng tài chính đang lan rộng toàn cầu, khi người ta đã nhận thấy những hạn chế và rủi ro trong cấu trúc mô hình kinh tế và sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch thì kinh tế xanh mới thực sự trở thành mục tiêu cho mọi quốc gia hướng tới. Đáng chú ý là nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thậm chí, những nước kém phát triển ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia… cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia.

Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Trong mô hình kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào nền kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai.

Đối với Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm để hướng đến một nền kinh tế xanh. Mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề thế nào để phù hợp với kinh tế xanh trong điều kiện phát triển hiện nay cần phải được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp. Theo TS.Nguyễn Văn Tài, tới đây Nhà nước nên gỡ bỏ các rào cản chính sách, xóa bỏ cơ chế bao cấp có hại cho môi trường, xây dựng môi trường pháp lý thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế xanh mũi nhọn thông qua trực tiếp đầu tư để phát triển “năng lực cung” hoặc thực hiện kích cầu cho hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Theo dự tính của UNEP, đầu tư công cho phát triển kinh tế xanh cần khoảng 2% GDP toàn cầu (khoảng 1.300 tỷ USD). Hiện nay, tổng mức đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn rất thiếu hụt. Thời gian tới đây, Việt Nam cần tìm cách huy động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, PGS.,TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, các cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính.... Đồng thời, việc cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường được điều chỉnh thông qua công cụ tài chính và thuế khóa cũng cần được triển khai sớm nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.


Nhiều chuyên gia môi trường cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tích cực hợp tác quốc tế nhằm học hỏi những kinh nghiệm hay trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh. Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Xu hướng cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến phát triển kinh tế xanh là cơ hội cho Việt Nam hợp tác quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chủ động tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để đưa ra những định hướng, chính sách phù hợp là những việc cần thiết mà Việt Nam phải làm trong quá trình phát triển kinh tế xanh”.

 

Phùng Tuấn

Theo http://www.tapchitaichinh.vn

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây