Thị trường các bon: giá 1 tấn CO2 sẽ tăng mạnh trong tương lai

Chủ nhật - 09/05/2010 14:39
Một trong những cơ chế thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính hiệu quả nhất là thị trường các bon. Thời gian qua, thị trường này hoạt động khá sôi động, đã có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung nhằm chống lại sự nóng lên của trái đất.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với Ts. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, vừa trở về từ Hội nghị Copenhagen, về triển vọng của thị trường các bon và hướng đi của Việt Nam trong thời gian tới.

PV. Xin TS cho biết một số nét về thị trường các bon hiện nay?

Với mục tiêu bình ổn nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức hợp lý để giữ nhiệt độ bề mặt trái đất tăng trong giới hạn cho phép (ví dụ nếu muốn giữ nhiệt độ bề mặt trái đất tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ thì theo các nhà khoa học phải bình ổn nồng độ khí nhà kính ở mức khoảng 450 ppm). Để thực hiện được mục tiêu này, các nước trên thế giới phải đi đến một thỏa thuận cắt giảm phát thải khí nhà kính với cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải hợp lý (ví dụ có thể lấy  lượng phát thải trên đầu người làm chuẩn). Thực hiện cơ chế này, sẽ hình thành nhóm các nước phải cắt giảm (chủ yếu là các nước có tổng lượng phát thải lớn) và nhóm các nước được tiếp tục phát thải (ví dụ nếu lấy lượng phát thải trên đầu người hiện nay làm chuẩn thì các nước có lượng phát thải khí nhà kính dưới 4,5 tấn/người sẽ tiếp tục được phát thải với một hạn ngạch nhất định).

Thị trường các bon (hay còn gọi là thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính) là cơ chế mềm cho phép các nước thuộc nhóm phải cắt giảm khí nhà kính lựa chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong bối cảnh thực hiện Nghị định thư Kyoto, thì các nước thuộc nhóm phải cắt giảm khí nhà kính theo cam kết có thể thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế đồng thực hiện (JI) hay cơ chế buôn bán phát thải (ET) để thực hiện cam kết của mình. Nhìn rộng ra, thị trường các bon là cơ chế thị trường hướng tới việc cắt giảm tổng lượng khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu với chi phí thấp nhất. Đây là một dạng mô hình thị trường chuyển nhượng hạn ngạch xả thải để kiểm soát ô nhiễm ở quy mô toàn cầu hoặc một khu vực địa lý nhất định (như một hồ lớn hay một dòng sông) đã được áp dụng thử nghiệm thành công ở một số nước trên thế giới.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, mặc dù suy thoái về kinh tế nhưng thị trường các bon trên thế giới năm 2008 có tổng giá trị giao dịch tăng gấp đôi, đạt mức hơn 126 tỷ USD. Tuy nhiên, giao dịch qua các dự án CDM ở các nước đang phát triển giảm hơn 12%, ở mức 6,5 tỷ USD với giá trung bình khoảng 16,8 USD/tấn. Theo số liệu thông kê, hiện nay bên “cung” chủ yếu của thị trường các bon là: Trung Quốc (35,5%), Ấn Độ (24,25%), Brazil (6,25%), v.v. Các bên “cầu” chủ yếu của thị trường là: Anh (28,11%), Thụy Sỹ (20,35%), Hà Lan (11,895), Nhật (11,43%), Thụy Điển (6,39%), Đức (5,72%), v.v. Các lĩnh vực tham gia thị trường chủ yếu là năng lượng (59,89%), quản lý chất thải (18,16%), sử dụng nhiên liệu (5,86%), nông nghiệp (5,13%), công nghiệp (4,67%), v.v. Việt Nam tham gia thị trường với tư cách là bên cung ở mức khoảng 0,03%.

TS. Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT

PV. Trong bối cảnh Hội nghị Copenhagen kết thúc không như mong muốn với một bản ghi nhớ của một nhóm nước, thì triển vọng thị trường các bon thời gian tới sẽ như thế nào thưa Tiến sỹ?

Mặc dù Hội nghị Copenhagen kết thúc chỉ với một bản ghi nhớ của một nhóm nước, nhưng qua đấy cho thấy triển vọng có một thỏa thuận mang tính pháp lý hợp lý và hiệu quả hơn về cắt giảm khí nhà kính là rất lớn khi có sự tham gia của 2 nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Nếu thỏa thuận này đạt được trong tương lai gần (tôi cho rằng với diễn biến biến đổi khí hậu như hiện nay không cho phép các nước trì hoãn lâu hơn nữa vì sẽ là quá muộn) thì thị trường các bon sẽ có những thay đổi cơ bản, đặc biệt là thay đổi trên quan hệ cung - cầu. Thứ nhất, theo các nhà khoa học, để giữ cho nhiệt độ bề mặt trái đất ổn định ở mức có thể kiểm soát được thì tổng lượng khí nhà kính phải cắt giảm trên phạm vi toàn cầu sẽ lớn hơn rất nhiều (từ 25 – 40%) và số các nước tham gia cắt giảm sẽ phải tăng lên. Thứ 2, Mỹ là nước có tổng lượng phát thải khí nhà kính rất lớn (chiếm gần 20% tổng lượng phát thải toàn cầu) sẽ tham gia thị trường với tư cách là một bên cầu lớn. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, đặc biệt là Trung Quốc là nước có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện nay (chiếm hơn 20% tổng lượng phát thải toàn cầu) sẽ chuyển từ bên “cung” sang bên cầu hoặc ít nhất là sẽ giảm khả năng cung cho thị trường các bon. Cả 2 yếu tố lớn này sẽ làm cho cán cân cung – cầu của thị trường các bon dịch chuyển mạnh theo hướng có lợi cho bên cung. Mặc dù sự suy giảm ngay sau Hội nghị Copenhagen vì một số nhà đầu tư mất lòng tin, nhưng với việc tăng cầu, giảm cung và trong bối cảnh khả năng cung của các nước còn lại còn rất hạn chế sẽ đẩy giá giao dịch 1 tấn các bon trên thị trường tăng mạnh trong tương lai.

PV. Việt Nam nên có chiến lược như thế nào để tham gia có hiệu quả vào thị trường các bon sôi động này?

Việt Nam tham gia thị trường các bon với tư cách bên “cung” với thị phần tương đối nhỏ. Tuy nhiên, tiềm năng lại rất lớn nếu phân tích các yếu tố cơ bản để Việt Nam tham gia tích cực và có hiệu quả vào thị trường này. Thứ nhất, nếu xét về lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người thì Việt Nam đang nằm trong số các nước có mức phát thải thấp, còn có khoảng cách xa so với mức phát thải đầu người trung bình trên thế giới hiện nay (khoảng gần 1 tấn/người trong khi trung bình hiện nay trên thế giới là 4,5 tấn/người). Thứ 2, nếu so với năm 1990 thì Việt Nam là nước có tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới (hơn 440%) nên tổng lượng khí nhà kính có thể cắt giảm trong thời gian tới là tương đối lớn. Thứ 3, Việt Nam đang sử dụng chủ yếu năng lượng hóa thạch với trình độ công nghệ tương đối lạc hậu so với thế giới nên khả năng cải tiến công nghệ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng rất lớn (chi phí giảm 1 tấn khí nhà kính sẽ thấp). Bên cạnh đó, Chính phủ đang có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kính tế theo hướng bền vững, có chú ý đến phát triển các ngành kinh tế ít các bon cũng là yếu tố có lợi cho việc tham gia thị trường các bon. Thứ 4, Việt Nam có nhiều hệ sinh thái có khả năng hấp thụ các bon (các hệ sinh thái có khả năng hấp thụ đến 21% tiềm năng giảm khí nhà kính toàn cầu), đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, chuyển đổi sử dụng đất bền vững cũng giúp Việt Nam đóng góp tích cực cho việc giảm khí nhà kính.

Ngành tài nguyên và môi trường đang trong tiến trình đẩy mạnh kinh tế hóa, tôi cho rằng với 4 yếu tố cơ bản như phân tích ở trên, nếu Việt Nam chú trọng tăng cường năng lực, tạo điều kiện thuận lợi, có các chính sách ưu tiên phù hợp, lường trước những mặt tiêu cực thì lợi ích của Việt Nam thu được từ việc tham gia thị trường các bon toàn cầu là rất lớn.

 

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây