Hội đồng EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng đưa ra một kế hoạch hành động toàn diện trên toàn khối nhằm đối phó với DLDD, với mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu hạn hán và đạt được Mục tiêu Trung hòa thoái hóa đất (LDN) vào năm 2030. Trong đó lưu ý mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề môi trường và khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng toàn Liên minh cần đặc biệt chú trọng vào việc quản lý và phục hồi đất. Điều này bao gồm việc áp dụng các phương pháp quản lý đất tái sinh và tăng cường quản lý đất đai trong mọi hoạt động, đặc biệt là ở những dự án ngoài EU.
Việc hợp tác quốc tế và tham gia tích cực vào các nỗ lực chống sa mạc hóa, thoái hóa đất và hạn hán không chỉ giúp giải quyết những thách thức môi trường một cách hiệu quả mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để quản lý và phục hồi đất một cách hiệu quả, Hội đồng cho rằng cần có các chiến lược tài chính rõ ràng và nhất quán, khuyến khích đánh giá lại mọi nguồn vốn hiện có và tìm kiếm thêm nguồn tài trợ mới, đặc biệt từ khu vực tư nhân và hình thức hợp tác công - tư. Các nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để thực hiện những biện pháp cụ thể nhằm chống lại DLDD, đồng thời ưu tiên phục hồi hệ sinh thái thông qua giải pháp thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên.
Để đạt được mục tiêu trung hòa thoái hóa đất vào năm 2030, Hội đồng EU khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi ngành nông nghiệp và hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững, xây dựng các hệ thống nông nghiệp có khả năng chịu hạn tốt hơn, đồng thời áp dụng các phương pháp canh tác thông minh về khí hậu. Hội đồng đề xuất quá trình chuyển đổi này nên dựa trên 13 nguyên tắc nông nghiệp sinh thái do các chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đề xuất, nhằm đảm bảo nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực mà còn BVMT và duy trì đa dạng sinh học.
Hội đồng một lần nữa khẳng định quyết tâm của EU trong việc giải quyết toàn diện các vấn đề môi trường liên quan như sa mạc hóa, thoái hóa đất, hạn hán, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, thiếu nước và ô nhiễm môi trường. Việc tổ chức liên tiếp các hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học (CBD), biến đổi khí hậu (UNFCCC) và chống sa mạc hóa (UNCCD) mang đến cơ hội vàng để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Hành động khẩn cấp và hợp tác chặt chẽ là chìa khóa để EU đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau, đối mặt với những thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng.
Ngày Môi trường thế giới năm 2024 cũng được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá,” trong đó phục hồi đất được nhiều nước xem là mục tiêu hàng đầu, là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021 - 2030). Phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa; làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu; thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng. EU cũng phát triển một chiến lược phục hồi đất với nguyên tắc cơ bản: Đất khỏe mạnh phải có khả năng chống lại biến đổi khí hậu tốt hơn. Ủy ban châu Âu từng cho biết vào năm 2021 “Khả năng giữ nước cao của đất sẽ hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt và giảm tác động tiêu cực của hạn hán”. Mỗi giây, diện tích đất tương đương với 4 sân bóng đá bị suy thoái. Tổng diện tích đất bị suy thoái toàn cầu hằng năm khoảng 100 triệu ha… những con số ấy chỉ dừng lại khi có giải pháp được đề ra, nếu không, dự tính đến năm 2050, hơn 3/4 dân số thế giới sẽ phải trả cái giá rất đắt bởi hạn hán và sa mạc hóa.
Bảo Bình
(Theo tapchimoitruong.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn