Thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành Khách sạn tại Việt Nam

Thứ hai - 19/02/2024 02:15
   Du lịch - khách sạn là một trong những ngành “công nghiệp không khói”, là “con gà đẻ trứng vàng” với tiềm năng thu lợi nhuận khổng lồ. Trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, từ chỗ nhiều khách sạn, nhà hàng buộc phải đóng cửa, địa điểm du lịch không bóng người, thì nay ngành Du lịch - khách sạn đang phục hồi vô cùng mạnh mẽ. 

 Theo Thông tin du lịch tháng 7/2023 của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 6,6 triệu khách quốc tế (đạt 83% kế hoạch năm 2023), phục vụ 76,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2023 với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738 nghìn lượt. Mỹ đứng thứ 3 với 445 nghìn lượt. Bên cạnh đó, từ ngày 15/8/2023, chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh sẽ chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử sẽ được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày. Với việc phục hồi du lịch, nhất là mảng du lịch quốc tế cùng với chính sách mới về thị thực được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thị trường khách sạn khởi sắc.

Hình 1. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

    Song song với du lịch, ngành Khách sạn đóng góp không nhỏ vào việc tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, tác động của dịch vụ khách sạn lên môi trường và hệ sinh thái lại kém tích cực hơn nhiều, dựa trên hiện thực đây là ngành sử dụng rất nhiều tài nguyên địa phương, như đất đai, nguồn nước, năng lượng và thực phẩm, đồng thời tạo ra rác thải, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn và không khí. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (2017), riêng ngành Khách sạn thải ra 1% lượng khí thải, cũng như tiêu thụ 5% lượng nước sử dụng trên toàn cầu. Những con số này bắt buộc các nhà quản lý khách sạn phải xem xét một cách nghiêm túc các quy trình trong hoạt động kinh doanh của họ, sao cho cắt giảm tối đa mức tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải ra môi trường và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như một giải pháp giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, tạo ra sự phát triển bền vững trong ngành dịch vụ khách sạn. Trên thực tế, kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam từ cách đây 20 năm thông qua mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng) và trong lĩnh vực công nghiệp thông qua việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, 2023). Riêng đối với lĩnh vực khách sạn, kinh tế tuần hoàn vẫn là một khái niệm mới mẻ và việc áp dụng mô hình này mới chỉ dừng ở mức độ sơ khai. Gần đây nhất, Del Vecchio & cộng sự (2022) đã tiến hành nghiên cứu định lượng thông qua việc phân tích mô hình kinh doanh và quy trình tạo ra giá trị dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn tại Ecobnb - một mạng lưới thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ khách sạn theo hướng bền vững. Nghiên cứu đã chứng minh việc áp dụng kinh tế tuần hoàn giúp tăng khả năng cạnh tranh của các khách sạn, cũng như chỉ ra khả năng đóng góp của công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu lớn trong việc xây dựng kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở phân tích việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số tập đoàn khách sạn, bài viết đưa ra những gợi ý giúp những nhà điều hành khách sạn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích cho khách sạn nói riêng và toàn thể xã hội nói chung.

Tập đoàn Meliá Hotels International 

    Được thành lập vào năm 1956 tại Mallorca (Tây Ban Nha), Meliá Hotels International hiện có hệ thống 380 khách sạn ở hơn 40 quốc gia. Tập đoàn này xếp hạng thứ 7/100 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững nhất toàn cầu của Wall Street Journal và là doanh nghiệp du lịch duy nhất của Tây Ban Nha có tên trong danh sách “Các nhà lãnh đạo Khí hậu châu Âu (Europe’s Climate Leaders 2021)” của Financial Times. Năm 2022, Meliá Hotels International được vinh danh là thương hiệu khách sạn bền vững nhất thế giới theo chương trình Đánh giá Bền vững doanh nghiệp (CSA) của S&P Global. Đánh giá Bền vững doanh nghiệp (CSA) của S&P Global là chương trình đánh giá toàn diện nhất trên thế giới về tính bền vững của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành, dựa trên các tiêu chí chung như kinh tế, xã hội, quản trị và môi trường cũng như các tiêu chí cụ thể cho từng ngành. Tập đoàn Meliá xếp hạng thứ ba ngay lần đầu tham gia chương trình vào năm 2018. Từ năm 2019 - 2021, Meliá đạt vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng ở Tây Ban Nha và châu Âu, đồng thời đứng vị trí thứ hai toàn cầu. Trong năm 2022, mặc dù tiêu chí đánh giá ngày càng khắt khe hơn nhưng Meliá vẫn đạt thứ hạng cao nhất trong ngành du lịch khách sạn với số điểm 74/100, trong đó đạt điểm cao nhất ở tiêu chí Xã hội (với 72 điểm), Kinh tế & Quản trị (với 81 điểm) và dẫn đầu ở các tiêu chí: Quản lý rủi ro và khủng hoảng; Báo cáo môi trường; Chiến lược khí hậu; Báo cáo xã hội; Quyền con người; Phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quan hệ khách hàng. Ngoài ra, năm 2022, Tập đoàn đã được vinh danh trong danh sách các nhà cung cấp thân thiện với môi trường (Supplier Engagement Leader) bởi CDP, một tổ chức quốc tế đánh giá các sáng kiến môi trường. Meliá được xếp hạng cao nhất ở hạng mục Mức độ tương tác (SER) trong cuộc khảo sát biến đổi khí hậu hàng năm của CDP.

    Tại Việt Nam, Meliá Hotels International là một trong những thương hiệu khách sạn quốc tế lớn nhất. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ khách sạn chất lượng cao, Meliá còn nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua những cam kết đối với du lịch có trách nhiệm. Meliá đã đặt ra 2 mục tiêu cho năm 2025 và 2035 nhằm giảm lượng khí thải lần lượt là 29,4% và 71% trong tất cả các khách sạn của mình. Điều này có nghĩa mức giảm hàng năm là 4,2% so với số liệu năm 2018 (năm cơ sở). Trong Báo cáo thường niên năm 2021, Meliá đã báo cáo mức giảm phát thải 41% cho phạm vi 1 và 2 so với năm 2018, ước tính đến năm 2025, Meliá sẽ đạt được mục tiêu đã cam kết ban đầu.

    Với trọng tâm cốt lõi là ưu tiên loại bỏ và thay thế nhựa, từ năm 2018, Meliá đã thay thế ống hút, cốc, túi nhựa bằng các sản phẩm có chất liệu bằng tre, giấy, gỗ hoặc thủy tinh. Những đồ dùng này được cung cấp theo yêu cầu của khách. Các đồ dùng phòng tắm bằng nhựa sử dụng một lần cũng đã được thay thế bằng các dụng cụ chứa có dung tích lớn, chứa lượng sản phẩm nhiều hơn gấp 10 lần. Meliá Hồ Tràm Beach Resort đã chuyển sang sử dụng báo và tạp chí điện tử, hóa đơn điện tử để giảm lượng giấy tiêu thụ; sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường, có thể phân hủy sinh học như ống hút lúa mì và các chai lọ nhãn hiệu có thể tái sử dụng; loại bỏ 90% tất cả các loại nhựa sử dụng một lần trong việc đóng gói bao bì và thay thế chúng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.

    Nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, 8 khách sạn của Meliá ở Đông Nam Á, từ Meliá Kuala Lumpur, Meliá Bali, đến các khách sạn ở Việt Nam như Meliá Đà Nẵng, Meliá Hà Nội, Meliá Hồ Tràm và Sol by Meliá Phú Quốc đã hợp tác với Công ty giải pháp vệ sinh và chất tẩy rửa Diversey thực hiện dự án tái chế xà phòng mang tên “Xà phòng hy vọng” (Soap for hope). Theo đó, người dân địa phương được hướng dẫn tái chế xà phòng bằng quy trình ép lạnh không dùng đến điện, nước và chỉ mất dưới 10 phút để biến xà phòng đã qua sử dụng thành những bánh xà phòng nguyên vẹn. Xà phòng mới sau đó sẽ được cung cấp cho những nơi còn thiếu xà phòng hoặc điều kiện vệ sinh còn hạn chế.

    Ngoài ra, để tạo việc làm cho người dân địa phương, khuyến khích du lịch trách nhiệm, các khách sạn của Meliá tại Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình nhằm tạo ra một nền kinh tế khách sạn tuần hoàn. Tiêu biểu như Khu nghỉ dưỡng tại Meliá Ba Vì Mountain Retreat đã trồng nhiều loại rau trong vườn hữu cơ Balansa để sử dụng cho nhà hàng và khu chăm sóc spa, bếp ăn nhân viên. Hay Meliá Hồ Tràm Beach Resort triển khai vườn gia vị với nhiều loại thảo mộc và rau xanh để ứng phó với tình trạng thiếu rau trong thời kỳ giãn cách xã hội…

Tập đoàn Marriott International 

    Marriott International là một trong những tập đoàn khách sạn và kinh doanh dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới. Được thành lập từ năm 1927 đến nay, Tập đoàn đã phát triển và sở hữu hơn 30 thương hiệu khách sạn và resort khác nhau trên khắp thế giới, với gần 8.000 khách sạn ở 139 quốc gia. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2018, Marriott sở hữu nhiều chuỗi khách sạn 5 sao sở hữu cơ sở vật chất cũng như dịch vụ đẳng cấp, tọa lạc ở các vị trí đắc địa với lợi thế về du lịch như JW Marriott (JW Marriott Hà Nội, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay); Sheraton (Sheraton Sài Gòn, Sheraton Hà Nội, Four Points by Sheraton Đà Nẵng, Sheraton Grand Đà Nẵng Resort, Sheraton Nha Trang Hotel & Spa); Le Méridien Sài Gòn; Renaissance Riverside Sài Gòn… Các khách sạn Marriott đã thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với môi trường như sử dụng đèn LED, hệ thống sưởi ấm và làm mát tiết kiệm năng lượng cũng như các thiết bị ống nước lưu lượng thấp. Chỉ riêng năm 2021, với hệ thống cảm biến thông minh làm mát nước, tập đoàn đã tiết kiệm được 1,6 tỷ lít nước (Marriott, 2022). Tập đoàn cũng đã đưa ra một số sáng kiến để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm như theo dõi tình trạng thực phẩm và khuyến khích quyên góp thức ăn thừa cho các trang trại tại địa phương. Nhìn chung, Marriott International đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tích hợp các hoạt động phát triển bền vững vào mô hình kinh doanh của mình.

Tập đoàn Accor Hotels

    Accor Hotels là Tập đoàn khách sạn và dịch vụ du lịch toàn cầu đang điều hành hơn 5.400 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Accor đang vận hành khoảng 28 khách sạn, trải khắp các tỉnh/thành từ Nam ra Bắc bao gồm Sofitel (3), Pullman (4), MGallery (5), Novotel (6), Mercure (5) và các khách sạn khác. Tất cả các khách sạn đều mang vẻ thiết kế hiện đại, sang trọng với chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu. Đặc biệt, ngay từ năm 1994, tập đoàn Accor đã có bộ phận chuyên phụ trách các vấn đề về môi trường và từ 2002, tập đoàn có bộ phận chuyên biệt để tổ chức và chỉ dẫn quy trình tạo ra các trải nghiệm bền vững. Hiện nay, nhiều khách sạn của Accor theo đuổi tiêu chí eco-design, thiết kế thân thiện với môi trường.

    Là Tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng tới môi trường và xã hội, trong các cam kết của mình, Accor khẳng định việc thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ hệ sinh thái địa phương và khuyến khích các khách sạn trong hệ thống kết nối với cộng đồng. Ngay từ năm 2010, Accor chính thức khởi động chương trình phát triển bền vững mang tên “Planet 21” với những mục tiêu tham vọng, thể hiện qua 21 cam kết cụ thể, nằm trong 7 lĩnh vực xã hội, môi trường và hỗ trợ cộng đồng, bao gồm: Sức khỏe, thiên nhiên, giảm lượng khí các-bon, sáng tạo, địa phương, tuyển dụng và đối thoại; được thực hiện trên quy mô toàn cầu, thể hiện mối quan tâm của tập đoàn đến giảm thiểu ô nhiễm khí thải và tăng cường tính đa dạng sinh học, song song với mục tiêu tối thượng - mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Tập đoàn chọn ngày 21/4 hàng năm làm ngày “Planet 21” với các hoạt động hưởng ứng đa dạng của đội ngũ nhân sự thuộc Tập đoàn.

    Bên cạnh đó, Tập đoàn còn triển khai nhiều chiến dịch nổi bật như khuyến khích khách hàng tái sử dụng khăn để tiết kiệm nước và năng lượng, chi phí tiết kiệm đó đã và sẽ được dùng tài trợ cho việc trồng thêm cây. Các thiết kế và đồ dùng trong khách sạn đều bắt đầu được tái chế hoặc đạt được chứng chỉ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các nhà hàng của khách sạn ngoài việc sử dụng các nguyên liệu từ chính khu vườn trong khách sạn còn đồng thời áp dụng các sáng kiến giúp giảm 60% lượng thực phẩm dư thừa trong căn bếp, giúp tiết kiệm khoản chi phí khổng lồ. Tại miền Nam, bên cạnh sáng kiến đóng góp các phần thực phẩm dư thừa từ tiệc buffet của nhà hàng để tặng cho Mái ấm tre xanh - ngôi nhà dành cho trẻ em đường phố tại TP. Hồ Chí Minh, Khách sạn Pullman Saigon Centre còn thiết kế trải nghiệm bữa trưa thanh lọc để thực khách trao đổi trực 261 tiếp với chuyên gia dinh dưỡng và tự tay thu hoạch tại vườn các loại rau gia vị hữu cơ cho thực đơn của mình. Hoạt động cải tạo này cũng được Hotel des Arts Saigon - MGallery Collection hưởng ứng tích cực và áp dụng cho nhà hàng của khách sạn. Trong khi đó, nhà hàng Mezz thuộc Sofitel Saigon Plaza sử dụng nguyên liệu hữu cơ từ nhà cung cấp bản địa để thiết kế thực đơn món Việt mang phong vị Pháp. Các khách sạn và resort Accor tại miền Trung Việt Nam bao gồm Hotel Royal Hoi An, MGallery by Sofitel, Grand Mercure Danang, Pullman Danang, Premier Village Danang, Mercure Hoi An và Mercure Bana Hills French Village đã hợp tác tổ chức một phiên chợ xanh để khách lưu trú có thể mua nông sản trực tiếp từ nông dân địa phương, cũng như trải nghiệm và mua rượu vang hữu cơ, sản phẩm thủ công..

    Cùng với quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung về kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn cũng được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật  BVMT năm 2020. Tại khoản 11 Điều 5 của Luật BVMT năm 2020, chính sách của Nhà nước về BVMT khẳng định “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển KT- XH”. Tiếp đó, tại Điều 142 của Luật có quy định riêng về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Ngoài khái niệm về kinh tế tuần hoàn thì Luật đưa ra trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Đặc biệt, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện KT - XH của đất nước.

    Ba tập đoàn khách sạn trải dài từ Bắc vào Nam cho thấy cách tiếp cận khá giống nhau về đường lối, chính sách chiến lược phát triển bền vững, mặc dù các sáng kiến cụ thể và cách thức thực hiện là khác nhau. Điểm chung là các tập đoàn đều tìm kiếm sự bền vững và tập trung nhất vào nỗ lực giảm tác động của họ lên môi trường. Các chính sách về môi trường đều hướng tới 4R như giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle) và phục hồi (recover) (Hu & cộng sự, 2011), thông qua các chương trình cụ thể như Planet 21 của Accor Hotels; Serve 360: Doing Good in Every Direction của Marriott International hay Eco-Touch by Melia, PlasticShreds của Meliá Hotels International. Hiện tại các khách sạn này đều đang áp dụng biện pháp và sáng kiến tái sử dụng, tái chế rác thải nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường địa phương nơi các khách sạn đang hoạt động. Tuy nhiên, các khách sạn cũng đang gặp phải một số rào cản trong việc triển khai ứng dụng kinh tế tuần hoàn như khó khăn về tái chế rác thải, ví dụ thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh thì rác thải thủy tinh lại là một vấn đề mới. Có khách sạn chưa tìm đc đối tác giúp tái làm sạch các chai thủy tinh để tái chế hoặc biến thành sản phẩm mới. Hiện tại các đối tác miền Bắc chưa có, miền Trung có một cơ sở tái sử dụng các chai thủy tinh nhưng vì khoảng cách địa lý nên mất thời gian, chi phí vận chuyển tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Hay một số khách sạn lại chưa chuẩn bị sẵn sàng không gian lưu trữ hoặc đào tạo nhân viên khi làm việc với các thay đổi mới nên vẫn chưa bắt đầu thay đổi. Một bộ phận khách hàng vẫn chưa quan tâm hoặc chưa sẵn sàng bỏ thêm tiền để trải nghiệm hoặc đổi sang sử dụng những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường cũng là một rào cản trong áp dụng kinh tế tuần hoàn của các khách sạn… Xây dựng và phát triển khách sạn theo hướng tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chính quyền địa phương; tận dụng những chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho tới các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế. Do đó, tác giả cho rằng cần phải xem xét và điều chỉnh dựa trên các nhóm giải pháp sau:

    Đầu tiên, xem xét sản phẩm sử dụng trong ngành Khách sạn theo vòng đời. Hiện nay nhiều khách sạn sử dụng những sản phẩm như túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy… thay thế cho đồ nhựa, phần nào nhận được thiện cảm của du khách. Tuy nhiên, để xem xét sản phẩm ấy có thực sự thân thiện với môi trường hay không cần phải xem xét quá trình sản xuất liệu có gây ra ô nhiễm, quá trình xử lý, thu gom sau khi vứt bỏ…

    Thứ hai, nhìn nhận kinh tế tuần hoàn như một mô hình, với hiệu quả được đánh giá trong dài hạn, thay vì những hành động tưởng như thân thiện với môi trường nhưng chỉ mang tính chất “làm hình ảnh”.

    Thứ ba, thiết lập một hệ sinh thái số hỗ trợ du lịch tuần hoàn, kết nối khách sạn với người nông dân, thợ thủ công bản địa đang áp dụng những giải pháp xanh, tạo ra luồng thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm việc chặt chẽ với nhau cũng như giới thiệu cho du khách…

Trần Tân

(Theo tapchimoitruong.vn)

Tài liệu tham khảo

1. Theo báo cáo của Tập đoàn năm 2022, 84% khách sạn thuộc tập đoàn đã nói không với các đồ dùng, sản phẩm dùng một lần làm từ nhựa (Accor, 2022).

2.https://images.vietnamtourism.gov.vn/vn//dmdocuments/2023/thong_tin_du_lich_thang_7_2023_1.pdf

3. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, 2023. Available at: https://iced.org.vn/khai-niem-kinh-te-tuan-hoan/ (Accessed: 13 March 2022).

4. Del Vecchio, P., Malandugno, C., Passiante, G. and Sakka, G., 2022. Circular economy business model for smart tourism: the case of Ecobnb. EuroMed Journal of Business, 17(1), pp.88-104.

5. Hu, J., Xiao, Z., Zhou, R., Deng, W., Wang, M. and Ma, S., 2011. Ecological utilization of leather tannery waste with circular economy model. Journal of Cleaner Production, 19(2-3), pp.221-228.

          

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây