Thực trạng và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của thành phố Đà Nẵng

Thứ hai - 09/10/2023 23:33
Mô hình đô thị tuần hoàn được sử dụng trong Tuyên bố về đô thị tuần hoàn ở châu Âu; theo đó, “đô thị tuần hoàn thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) theo hướng tích hợp tất cả các chức năng, với sự hợp tác của dân cư đô thị, cộng đồng doanh nghiệp và giới nghiên cứu nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh và hành vi kinh tế để tách rời sử dụng tài nguyên từ các hoạt động kinh tế thông qua duy trì giá trị và lợi ích càng dài càng tốt để đóng các vòng lặp vật liệu và tối thiểu hóa sử dụng tài nguyên và giảm phát sinh chất thải nguy hại. Thông qua quá trình chuyển đổi này đô thị tìm kiếm các cải thiện phúc lợi con người, giảm phát thải, bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học, thúc đẩy xã hội bao trùm phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững”.

Việc thực hiện tầm nhìn KTTH Đà Nẵng thể mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo Tổ chức Ellen MacArthur Foundation (2017), KTTH tại các thành phố có thể thúc đẩy sự xuất hiện của: (1) Thành phố phát triển, nơi năng suất kinh tế tăng nhờ giảm tắc nghẽn, loại bỏ chất thải và giảm chi phí, đồng thời là nơi các cơ hội kinh doanh và tăng trưởng mới xuất hiện có thể hỗ trợ phát triển kỹ năng và việc làm; (2) Thành phố đáng sống với chất lượng không khí và sức khỏe đô thị được cải thiện, giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, cũng như nâng cao các tương tác xã hội; (3) Thành phố có khả năng chống chịu: giữ nguyên vật liệu được sử dụng và giảm áp lực nguyên liệu thô, đồng thời khai thác công nghệ kỹ thuật số.

Nắm bắt được vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn, thành phố Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) là địa phương đầu tiên trên cả nước đã triển khai nghiên cứu xây dựng và phát triển KTTH cho thành phố, theo đó, tháng 4/2022, UBND thành phố đã có Quyết định số 1102/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo tổng hợp nhiệm vụ, trong đó đã có các đề xuất đối với mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình và giải pháp để xây dựng và phát triển KTTH tại TP. Đà Nẵng. Bài viết này mong muốn chia  sẻ thực trạng và giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của TP. Đà Nẵng. Để thực hiện mục tiêu này, bài viết sẽ có 3 phần: (1) Bức tranh KTTH hiện tại của TP. Đà Nẵng; (2) Quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và lộ trình phát triển KTTH cho TP. Đà Nẵng và (3) Một số giải pháp để đạt được mục tiêu, tầm nhìn.

1. Bức tranh kinh tế tuần hoàn hiện tại của thành phố Đà Nẵng

Ngày 17/11/2020, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Trong Luật này, tại Khoản 33, Điều 3, lần đầu tiên khái niệm KTTH được chính thức sử dụng và quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam và được định nghĩa là “Mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ nhằm giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu, hóa chất, năng lượng không tái tạo và kéo dài tuổi thọ của vật chất, giảm thiểu chất thải phát sinh và các tác động tiêu cực đến môi trường”.

Trong bài viết này, khái niệm KTTH quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được sử dụng làm nền tảng cho các luận điểm có liên quan. Khái niệm “thành phố tuần hoàn” bắt nguồn từ mô hình KTTH được áp dụng trong một không gian lãnh thổ nhất định là thành phố hay đô thị. Với khái niệm thành phố tuần hoàn đã đề cập, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của TP. Đà Nẵng cho thấy đã xuất hiện một số sáng kiến, thực tiễn tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và quản lý nhà nước có liên quan đến các nguyên tắc, mục tiêu của KTTH.

Nội dung phần này sẽ liệt kê một số thực tiễn tốt như vậy và rút ra một số hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.

1.1. Thực tiễn tốt gắn với kinh tế tuần hoàn

- Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Đối với thành phố Đà Nẵng, thực tiễn phát triển nông nghiệp đã cho thấy một số biểu hiện của kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp như ở huyện Hòa Vang đã triển khai các mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) và biến thể Vườn - Ao - Chuồng - Biogas (VACB), Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR); trong đó, mô hình chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân trâu bò, gà, heo để làm phân bón, sản xuất khí Biogas hoặc nuôi trùn quế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sử dụng rơm rạ là phụ phẩm của ngành trồng trọt làm phân bón ruộng và làm thức ăn cho trâu bò hay để sản xuất nấm rơm cũng đã được áp dụng từ lâu. Việc áp dụng những mô hình này đã không chỉ giúp giảm phát thải mà còn giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, mô hình VACB là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp, để trả lại độ phì cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu.

- Công trình xanh FPT Complex

Ngành xây dựng hiện tiêu thụ khoảng 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, các công trình xây dựng mới là một trong những đối tượng quan trọng cần áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Từ định hướng thiết kế quy hoạch kiến trúc về dự án và công trình xanh, Đà Nẵng đã tiếp cận và chọn Khu đô thị FPT làm hình mẫu. Theo đó, công trình FPT Complex là một trong những công trình đầu tiên được Bộ Xây dựng, chính quyền thành phố Đà Nẵng lựa chọn áp dụng các tiêu chuẩn công trình Xanh - Tiết kiệm năng lượng, đây là công trình duy nhất hiện nay ở Đà Nẵng.

FPT Complex sử dụng vật liệu cho công trình đều thân thiện cao với môi trường qua sản xuất bằng công nghệ tiên tiến. Thiết kế kiến trúc công trình và cảnh quan được tối ưu hóa, cho phép tận dụng năng lượng tự nhiên. Toàn bộ phần mái của FPT  Complex Đà Nẵng là hệ thống pin mặt trời cực lớn, cảnh quan trong khuôn viên tòa nhà có công viên, đồi cỏ... FPT Complex Đà Nẵng là công trình kiến trúc có khả năng truyền cảm hứng làm việc cho người lao động. Các thiết kế về hệ thống kỹ thuật cũng ứng dụng công nghệ mới nhất trong điều hòa không khí cũng như thu gom hệ thống nước thải của Nhật. Nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng để tưới cỏ và vệ sinh sân vườn… Qua đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) bằng bộ chỉ số Excellence in Design for Greater Efficiencies (EDGE), công trình tòa nhà FPT Complex Đà Nẵng được cấp chứng chỉ EDGE.

- Mô hình khu công nghiệp sinh thái

Trong giai đoạn 2015-2019, Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Dự án tiến hành xây dựng thí điểm KCN sinh thái tại 3 khu công nghiệp gồm: KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ). Mục tiêu của hợp phần thí điểm là lựa chọn những ví dụ điển hình về cách mà các giải pháp công nghệ về sử dụng hiệu quả tài nguyên và các bon thấp được thực hiện.

Thành phố Đà Nẵng, thông qua Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá RECP hơn cho 29 doanh nghiệp; các chuyên gia của Dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ đồng/năm; giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2700 tấn chất thải rắn/năm. Trong số 228 giải pháp RECP, số lượng giải pháp thuộc nhóm tiết kiệm điện chiếm tỷ lệ cao nhất là 127 giải pháp; có 31 giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu hóa chất, 31 giải pháp tiết kiệm nước, 33 giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, 03 giải pháp giảm thiểu tác động môi trường và 03 giải pháp tiết kiệm khác.

- Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả:

Trong các loại năng lượng tái tạo, TP. Đà Nẵng có tiềm năng lớn ở năng lượng điện mặt trời. Tính đến hết năm 2020, toàn TP. Đà Nẵng có 2.529 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 81,7 MWp.

Ngoài ra, đối với báo cáo kiểm toán năng lượng, trên địa bàn thành phố đến nay có 49 doanh nghiệp là cơ sở năng lượng trọng điểm (chưa tính ngoài cơ sở năng lượng trọng điểm) thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng; số lượng doanh nghiệp/cơ sở đã có người quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương là 45 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm điện trong chiếu sáng giao thông đô thị, TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai hai dự án quan trọng là: Dự án Thí điểm thay thế hệ thống điện chiếu sáng công cộng bằng đèn LED và Dự án xây dựng hệ thống điều khiển trung tâm và điều khiển tủ điện từ xa.

UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã ban hành Quyết định số 1737/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo Đề án, Đà Nẵng sẽ phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch. Tỷ lệ các nguồn năng lượng này trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn TP đạt khoảng 9,17% vào năm 2025; đến năm 2035 tỷ lệ này đạt 9,69%.

- Mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng

+ Một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất gạch không nung (Công ty Cổ phần Việt Nhật; Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại VBRIC; Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hưng Gia Bình...). Loại gạch này được sản xuất không qua công đoạn nung nên có tác dụng BVMT, bảo vệ tài nguyên đất mà còn mang lại nhiều lợi ích vô cùng lớn lao. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đưa ứng dụng công nghệ và vật liệu mới như gạch không nung xi măng cốt liệu vào xây nhà rất phù hợp khi vừa hạ giá thành vừa đảm bảo chất lượng.

+ Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng đã được lắp đặt tấm năng lượng mặt trời áp mái tại, cam kết giảm lượng CO2 thải ra môi trường và giảm thiểu lượng nước tiêu thụ cho sản xuất, đã đầu hệ thống xử mùi Trạm xử nước thải Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng. Tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020, HEINEKEN Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE (viết tắt của: REgenerate - Tái tạo; Share - Chia sẻ; Optimize -Tối ưu hóa; Loop - Tái sử dụng/ Tái chế; Virtualize - Số hóa Exchange - Chuyển đổi).

+ Công ty TNHH MTV Công nghệ Sinh học Minh Hồng tại Đà Nẵng là một trong những điển hình của doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất, biến chất thải hữu cơ được thu gom thành nước rửa chén hữu cơ, nước giặt Organic, nước lau sàn,... Công ty đã đạt được 02 giải thưởng lớn là: Giải thưởng môi trường và Giải nhất toàn quốc Hatch Fair. Bằng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường, công ty đã sản xuất thành công các sản phẩm không hóa chất và tạo được tiếng vang tại Việt Nam cũng như quốc tế.

+ Đà Nẵng cũng đã có những đơn vị, doanh nghiệp và dự án bắt đầu thực hành theo hướng KTTH như mô hình Green Run Series - Giải chạy không rác thải đầu tiên trên thế giới, VietArt - Sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường từ gỗ thải, Fuwa Refill Station - trạm làm đầy và tái sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, Green Building - thu gom, phân loại, tái chế rác tại các tòa nhà chung cư, Green University DUE - Xây dựng lối sống xanh bền vững cho người trẻ ở Đà Nẵng,..

- Tiêu dùng xanh

Thời gian qua, Đà Nẵng nổi lên nhiều hoạt động, phong trào gắn với tiêu dùng xanh như:

+ Phong trào nói “không” với chai nhựa đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên địa bàn Đà Nẵng đã phần nào giúp thay đổi thói quen lâu năm nơi cơ quan, công sở của Đà Nẵng. Đến nay, triển khai đạt 100% tỷ lệ sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế chai nhựa tiện dụng trong các buổi họp và buổi tiếp khách tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Nhờ có cán bộ nhà nước làm gương, nên toàn thể nhân dân cùng nhau chung tay hạn chế rác thải nhựa, BVMT chung của thành phố.

+ Đà Nẵng đã phát động hạn chế sử dụng túi ni- lông khó phân hủy tại các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương kinh doanh ở các chợ hạn chế sử dụng túi ni lông; qua đó, vận động người thân, gia đình mang theo túi đựng, giỏ nhựa khi đi chợ, siêu thị. Các siêu thị, trung tâm thương mại, thay vì cung cấp túi nilon, đã chuyển sang hướng dẫn khách hàng sử dụng các thùng carton cũ để đựng đồ (Siêu thị Mega); hoặc là khuyến khích mua các túi xách dùng nhiều lần, cung cấp túi tự hủy sinh học nhằm giảm thải tác hại của túi ni-lông như Co.op Mart, Big C...

+ Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo khoa học Đánh giá công tác phân loại rác thải tại nguồn - hướng đến quản lý chất thải bền vững trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2021, trên địa bàn thành phố đến nay đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như Thùng thu gom pin thải, Mái nhà xanh, Trồng chuối lấy lá, Điểm tập kết rác văn minh, KDC tự quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác, Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông, CLB Cựu chiến binh,… Nhiều “Thùng thu gom rác thải nhựa” đã được đặt tại các khu du lịch, di tích, công cộng… Thành phố cũng đã xúc tiến 09 dự án về quản lý CTR, phân loại CTRSH tại nguồn và quản lý rác thải nhựa với hơn 70 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2024); Thiết lập nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia địa phương (>25 cán bộ đầu mối, chuyên gia kỹ thuật). Các công tác trên bước đầu đã mang lại kết quả. Đến nay, tỷ lệ các tổ dân phố thực hiện PLRTN là 83% trên tổng số tổ dân phố thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện PLRTN chỉ đạt ở mức trung bình (63%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện PLRTN ở mức trung bình (<60%). Nhìn chung, dù bắt nhịp khá chậm nhưng cho đến nay, xu hướng tiêu dùng xanh ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ phía người dân và các nhà sản xuất.

- Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng việc thu gom chất thải thức ăn dư thừa để bán lại cho cơ sở chăn nuôi hoặc chế biến phân bón hữu cơ có thể được xem tiếp cận KTTH. Nhiều khách sạn khuyến khích khách sử dụng khăn tắm nhiều lần, thu gom và tái chế các bánh xà phòng đã sử dụng, các đồ nhựa (bàn chải đánh răng, lược chải đầu...) được thu gom và bán lại cho các cơ sở thu gom tái chế. Thành phố cũng đã ban hành và tập huấn triển khai 01 Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại Đà Nẵng với nhiều thứ tiếng (Việt, Anh, Trung, Hàn…) và 09 Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch; trong đó, hướng dẫn và nhắc nhở các đơn vị về nội dung giảm thiểu sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần, có giải pháp tái sử dụng, tái chế sản phẩm nhựa để bảo vệ môi trường. Cụ thể: Tại khu, điểm du lịch cũng đã bố trí các khung lưới sắt nhằm thu gom phân loại rác tái chế. Sở Du lịch cũng đề nghị các khu, điểm du lịch khuyến khích du khách không sử dụng túi ni-lông khi đến tham quan, du lịch. Tại các cơ sở lưu trú du lịch, Sở Du lịch khuyến khích thay vì phát chai nước nhựa cho du khách các đơn vị đã chuyển dần sang dùng bình nước lớn, tái sử dụng chai đựng nước, sử dụng cốc, chai thuỷ tinh để dùng được nhiều lần thay thế cho chai nhựa. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox...

- Logistics xanh

Logistics xanh là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trên quan điểm phát huy được các nguồn lực, lợi thế của thành phố để xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong quá trình thực hiện quy hoạch đã tính toán đến tiêu chí về gần với các tuyến đường giao thông huyết mạch, sân bay và cảng biển. Điều này giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, giảm lượng khí thải ra môi trường và tác động trực tiếp tới chiến lược xanh hóa lĩnh vực logistics.

- Mô hình KTTH trong quản lý rác thải

+ Dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế như sắt thép và kim loại khác đã có từ rất sớm ở Đà Nẵng đã góp phần giải quyết phần nào yêu cầu của hoạt động tái chế.

+ Chương trình nâng cao nhận thức và thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt được quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) triển khai từ tháng 6/2018, trong đó phường Xuân Hà là phường thí điểm thực hiện chương trình. Đến nay, trên địa bàn phường Xuân Hà đã có trên 70% hộ dân tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình.

- Kinh tế chia sẻ tại Đà Nẵng

Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ là sự phát triển nhanh chóng của Internet và yếu tố chính của mô hình này là sự kết nối giữa những người tiêu dùng với nhau. Ở Việt Nam, mô hình kinh tế được gắn với các tên tuổi từ các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài như: Be, Grab, Airbnb; tiếp đó là sự xuất hiện của nhiều start-up Việt Nam như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu... Tại Đà Nẵng, ngoài Be, Grab, Airbnb,… phải kể đến DeliveryNow (dịch vụ đặt món trực tiếp) và Dự án khởi nghiệp Kết nối văn hóa (Cultures Connect). Cultures Connect là dự án khởi nghiệp được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo trong năm 2016. Với Kết nối văn hóa, du khách đến Đà Nẵng có thể tham gia những bữa cơm gia đình truyền thống, những lễ hội dân gian, hay thử sinh sống và làm việc trong các làng nghề. Đổi lại, các hộ gia đình địa phương tham gia mạng lưới sẽ có thêm thu nhập, các hướng dẫn viên (hầu hết là sinh viên chuyên ngành du lịch và ngoại ngữ) được trau dồi văn hóa, vốn sống và kỹ năng giao tiếp.

- Tín dụng xanh thông qua Quỹ BVMT TP. Đà Nẵng

Quỹ bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, tài trợ cho các chương trình dự án, đảm bảo các hoạt động nhiệm vụ BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố. Đây là nguồn tín dụng xanh mà các doanh nghiệp có thể tiếp cận để tìm kiếm vốn đầu tư hoặc chuyển đổi sang mô hình KTTH.

- Cơ sở dữ liệu về BVMT

Thực hiện báo cáo số liệu để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT hàng năm theo Quyết định số 2778/QĐ-BTNMT ngày 31/10/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 13/1/2020 trong đó phân công trách nhiệm báo cáo số liệu cho sở ngành có liên quan. Như vậy nguồn cơ sở dữ liệu này được xem là rất quan trọng phục vụ đánh giá, đo lường các chỉ tiêu về thực hiện KTTH.

- Hình thành Mạng lưới KTTH Đà Nẵng

Từ năm 2019, UNDP A-Lab Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 A-Lab toàn cầu của UNDP mang tinh thần thử nghiệm sáng tạo xã hội. Tại Đà Nẵng nhóm đã có một số hoạt động tiêu biểu về môi trường như: Thí nghiệm xây dựng mô hình phân loại rác thân thiện tại khu chung cư Cẩm Lệ; Nghiên cứu về hệ sinh thái thu gom rác phi chính thống và tác động của COVID với nhóm ve chai. Trong quá trình thực hiện cho thấy, vấn đề môi trường và rác thải là điều có tính phức tạp cao với nhiều chủ thể liên quan cùng với các yếu tố cơ sở hạ tầng, văn hóa, thói quen lâu nay khó thay đổi. Nhận thấy sự cần thiết của việc huy động cộng đồng và tìm ra các giải pháp đồng bộ trong các hoạt động vì môi trường, UNDP A-Lab Việt Nam đã phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) để phát triển những chương trình bài bản chặt chẽ mang tính bền vững, nhằm lan toả nhận thức và tạo tác động lớn hơn trong cộng đồng tại khu vực miền Trung. Từ đây, Mạng lưới KTTH Đà Nẵng (DCEH) ra đời. Mạng lưới KTTH Đà Nẵng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ các nhân tài có dự án sáng tạo vì môi trường, nhằm thúc đẩy cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; thúc đẩy tiêu dùng bền vững/ tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực miền Trung.

Ngay sau khi Lễ ra mắt kết thúc, Mạng lưới ngay lập tức được “kích hoạt” bằng Chương trình Green Avengers (Biệt Đội Xanh) cùng Khoá tập huấn (Bootcamp) nhằm tuyển chọn những “sứ giả” môi trường gia nhập Green Avenger (Biệt Đội Xanh). Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ dự án Mạng lưới KTTH Đà Nẵng.

1.2. Thành tựu

- Nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt được; các điểm nóng môi trường được xử lý triệt để, điểm nóng phức tạp được kiềm chế.

- Có nhiều thực tiễn và sáng kiến tốt về áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, công nghiệp cung cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống,…

- Mô hình khu công nghiệp sinh thái (mô hình KTTH ở cấp độ trung bình) được triển khai thí điểm đạt nhiều kết quả khả quan.

- Ý thức, nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong BVMT ngày càng nâng cao; vai trò tiên phong của các tổ chức hội như phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên trong các phong trào BVMT, lan tỏa trong cộng đồng các chủ trương, chính sách BVMT của thành phố được phát huy.

1.3. Hạn chế

Tuy nhiên, để tiến đến phát triển KTTH ở một số ngành/lĩnh vực hay xa hơn là thành phố tuần hoàn cho Đà Nẵng, nhiều hạn chế, bất cập vẫn còn phải được cải thiện:

- Ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng còn khá mờ nhạt.

- Về áp dng sn xut sch hơn, nhìn chung các doanh nghiệp ti Đà Nẵng tiếp cận từ năm 2000, nhưng tỷ lệ áp dụng đến nay vẫn còn rất ít.

- Hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố hiện nay không hỗ trợ cho việc thực hiện tuần hoàn chất thải; hệ thống thu gom còn yếu, tỷ lệ tái chế thấp. Cơ chế khuyến khích tuần hoàn chất thải công nghiệp cũng chưa rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp.

- Tuyên truyền và quảng cáo các sản phẩm tuần hoàn chưa hiệu quả: Việc tuyên truyền lợi ích của KTTH cho người dân còn ít, chưa hiệu quả. Người dân vẫn e ngại dùng sản phẩm tái chế. Chưa quan tâm đến lợi ích cho các doanh nghiệp.

- Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tín dụng xanh để đầu tư chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang công nghệ xanh, thân thiện với môi trường còn hạn chế, đòi hỏi nhiều thủ tục, thời gian. Hiện nay, hầu hết chi phí đầu tư áp dụng sách hơn do doanh nghiệp tự cân đối chi trả.

- Thiếu các chương trình đào tạo liên quan KTTH tất cả các cấp học.

- Chưa có các chỉ số, chỉ tiêu và lộ trình để thực hiện.

2. Xác định quan điểm, mục tiêu và lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

2.1. Quan điểm

- Xây dựng và phát triển KTTH trên địa bàn TP. Đà Nẵng dựa trên cách tiếp cận tổng thể, hệ thống; lồng ghép mục tiêu phát triển thành phố tuần hoàn vào cả các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đề án phát triển ở quận/huyện, ngành có liên quan.

- Xây dựng KTTH trên sở kết hợp cách thức tiếp cận từ trên xuống (top-down) và từ dưới lên (bottom-up), theo đó: Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, kiến tạo môi trường và chính sách; DN thiết lập hệ thống quản lý, thực hiện và tuân thủ quy định PL, người dân phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thực hiện giám sát cộng đồng, phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng, phát triển KTTH Việt Nam.

- Xây dựng và phát triển KTTH trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm trong và ngoài nước; phát huy, lan tỏa được các thực tiễn, mô hình KTTH hiện có của TP. Đà Nẵng; phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Thực hiện liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương thuộc thành phố, liên kết giữa đô thị với nông thôn để tạo dựng các vòng lặp tuần hoàn một cách hệ thống.

- Lộ trình phát triển KTTH cần cập nhật mỗi năm năm một lần hoặc khi có chính sách mới có ảnh hưởng quan trọng đến lộ trình.

- Ưu tiên phát triển các lĩnh vực thuộc 05 ngành kinh tế trong phát triển KTTH (bao gồm Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; Công nghiệp chế biến chế tạo; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý nước thải; Xây dựng và Dịch vụ lưu trú và ăn uống).

2.2. Tầm nhìn

Tầm nhìn về phát triển KTTH của thành phố như sau: “Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng theo các nguyên tắc, chiến lược và mô hình KTTH, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố tuần hoàn đầu tiên theo tiêu chí của Việt Nam”.

2.3. Mục tiêu

* Mục tiêu chiến lược

05 mục tiêu chiến lược được đề xuất bao gồm :

1. Môi trường: giảm khai thác, sử dụng; hạn chế chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

2. Quản lý nhà nước: tăng cường năng lực và năng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Kinh tế và doanh nghiệp: Cải thiện năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

4. Cơ sở hạ tầng và công nghệ: phát triển KTTH trên nền tảng công nghệ và chuyển đổi số.

5. Xã hội: tạo thêm việc làm xanh cho người dân thành phố và liên tục nâng cao mức độ hài lòng về môi trường của người dân.

* Mục tiêu cụ thể

Các mục tiêu chiến lược này này được cụ thể hướng tới các đối tượng can thiệp khác nhau như doanh nghiệp, người dân, khu dân cư sinh thái, khu công nghiệp... (Bảng 1).

Bảng 1. Mục tiêu cụ thể trong xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng

10 10 23 1

10 10 23 2

2.4. Định hướng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Lộ trình chuyển đổi sang thành phố tuần hoàn của Đà Nẵng bao gồm 05 giai đoạn: khởi động, phát triển, hành động ở quy mô thành phố, tăng tốc và tối ưu hóa.

- Khởi động (2022-2025): Giai đoạn khởi động nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và chuẩn bị tiền đề ban đầu về chính sách, vốn, nhân lực để bước vào giai đoạn phát triển. Giai đoạn này cần triển khai đối với các mục tiêu chiến lược về quản lý nhà nước, kinh tế và doanh nghiệp, xã hội. Đối với mục tiêu chiến lược về môi trường và cơ sở hạ tầng và công nghệ, chúng ta đã tạm gặt hái một số thành tựu ban đầu, do đó sẽ bước thẳng vào giai đoạn phát triển kể từ năm 2022. Trong giai đoạn này, tiềm năng kinh tế của hệ thống tuần hoàn phải được chứng minh rộng rãi.

- Phát triển (2025-2030): Giai đoạn này bắt đầu hành động và triển khai các dự án thí điểm trong một số lĩnh vực ưu tiên để cho thấy mức độ ảnh hưởng, lan tỏa khi áp dụng KTTH. Nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể nắm bắt cơ hội tạo ra các bước chuyển đổi trong các ngành, lĩnh vực được chọn. Các ngành lựa chọn để thí điểm chuyển đổi sang các mô hình KTTH bao gồm Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; Công nghiệp chế biến chế tạo; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý nước thải; Xây dựng và Dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển giai đoạn này bao gồm: quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và rác thải nhựa); sản xuất chế biến (ngành nhựa, dệt may và vật liệu thay thế, thân thiện môi trường), công dân tiêu dùng xanh, khu dân cư sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn lương thực thực phẩm, tuần hoàn nước, thiết kế tuần hoàn dựa trên công nghệ.

- Hành động ở quy mô thành phố (2030-2035): KTTH trở thành xu hướng chủ đạo. Trong giai đoạn này tiến hành đánh giá và mở rộng các dự án/chương trình thí điểm sang các ngành/ lĩnh vực còn lại. Phấn đấu từ 2030, 05 mục tiêu chiến lược cơ bản được thiết lập ở quy mô thành phố.

- Tăng tốc (2035-2045): trong giai đoạn này, các mục tiêu chiến lược đã được thực hiện ở quy mô thành phố sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc để tiến tới thành phố tuần hoàn. Các mục tiêu chiến lược cơ bản đạt được ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đến cuối năm 2045, thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn (xem tầm nhìn về một thành phố tuần hoàn ở mục 1.1.4)

- Tối ưu hóa (từ 2045): các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt các tiêu chuẩn tuần hoàn đầy đủ.

10 10 23 3

Nguồn: Đề xuất của tác giả

3. Giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Để đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp xây dựng và phát triển KTTH trên địa bàn TP. Đà Nẵng tập trung vào các giải pháp quan trọng, căn cơ.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức toàn xã hội về KTTH.

Hai là, tập trung vào giải pháp quản lý chất thải trên địa bàn TP. Đà Nẵng  phù hợp với các quy định mới của luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ba , khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đang hoạt động áp dụng và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh theo KTTH.

Bốn là, thúc đẩy tiêu dùng xanh đối với các cá nhân tổ chức trên địa bàn thành phố.

Năm là, phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy KTTH.

Cuối cùng, các giải pháp chung khác nhằm hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển ktth trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng cần được quan tâm đến như đẩy mạnh tín dụng xanh, tăng cường kinh tế chia sẻ và hợp tác và liên kết trong hành động để phát triển KTTH.

TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo

1. Lại Văn Mạnh 2021. Bài trình bày tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tác động của ô nhiễm từ rác thải nhựa và cách để giảm thiểu nhựa tại các doanh nghiệp” do VCCI tổ chức.

2. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh, Đỗ Thị Thanh Ngà Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, “Đô thị tuần hoàn và một số gợi ý cho thành phố Đà Nẵng” Kỷ yếu Hội thảo “Nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng”, Đà Nẵng, tháng 11/2021.

3. Kirchherr, J., Reike, D., & Hekkert, M. (2017). Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, Conservation and Recycling, 127, 221-232.

4. Gravagnuolo, A., Angrisano, M., & Fusco Girard, L. (2019). Circular Economy Strategies in Eight Historic Port Cities: Criteria and Indicators Towards a Circular City Assessment Framework. Sustainability, 11(13), 3512. https://doi.org/10.3390/su11133512.

5. How to create a national circular economy road map. (n.d.). Sitra. Retrieved September 27, 2021, from https://www.sitra.fi/en/publications/how-to-create-a-national-circular-economy-road-map/.

6. Lakatos, E. S., Yong, G., Szilagyi, A., Clinci, D. S., Georgescu, L., Iticescu, C., & Cioca, L.-I. (2021). Conceptualizing Core Aspects on Circular Economy in Cities. Sustainability, 13(14), 7549.

7. Lewandowski, M. (2016). Designing the business models for circular economy -Towards the conceptual framework. Sustainability, 8(1), 43.

MacArthur, E. (2013). Towards the circular economy. Journal of Industrial Ecology, 2, 23-44.

8. Moraga, G., Huysveld, S., Mathieux, F., Blengini, G. A., Alaerts, L., Van Acker, 9. K., de Meester, S., & Dewulf, J. (2019). Circular economy indicators: What do they measure? Resources, Conservation and Recycling, 146, 452-461. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2019.03.045.

10. The New Urban Agenda. (2016). Habitat III. Retrieved October 9, 2021, from https://habitat3.org/the-new-urban-agenda/.

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây