1. Khái niệm về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra
BĐKH đang diễn biến nhanh trong thế kỷ 21, đã và đang gây ra những TT&TH lớn về tài nguyên môi trường, về đời sống sản xuất, sinh hoạt của con người. Để ứng phó với BĐKH, con người hiện đang thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (mitigation) và thích ứng với các tác động của BĐKH (adaptation).
Theo UNFCCC, TT&TH do BĐKH gây ra được hiểu là những thiệt hại không tránh khỏi sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng. Các TT&TH có thể là hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan nhất thời (sudden-onset events), như bão, lũ, lũ quét…, hoặc các quá trình diễn ra từ từ, qua thời gian (slow-onset events), như nước biển dâng, sa mạc hóa... TT&TH xảy ra đối với con người (như thiệt hại về sức khỏe, sinh kế…) và các hệ thống tự nhiên (như suy giảm đa dạng sinh học, hệ sinh thái…).
Theo UNFCCC, TT&TH có thể được phân loại thành: (i) TT&TH kinh tế (economic) và; (ii) TT&TH phi kinh tế (non-economic). TT&TH kinh tế là những tổn thất về tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ có thể được trao đổi, mua bán trên thị trường. TT&TH phi kinh tế không thuộc các hạng mục có thể mua bán trên thị trường, là những TT&TH về tính mạng, sức khỏe, thay đổi nơi cư trú của con người; lãnh thổ; các di sản văn hóa; các tri thức bản địa; đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (UNFCCC, 2013).
Ở nhiều nước đang phát triển và đặc biệt là các nước dễ bị tổn thương đối với BĐKH, trong nhiều trường hợp, các TT&TH là không thể phục hồi, ví dụ như sự mất mát về lãnh thổ, về các di tích lịch sử, văn hóa... Vì vậy, nhận biết đầy đủ và có các giải pháp quản lý rủi ro, ứng phó hữu hiệu với các TT&TH là một trong những nội dung quan trọng của chính sách ứng phó với BĐKH, đặc biệt là đối với những quốc gia dễ bị tổn thương, chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH.
2. Tổn thất và thiệt hại trong một số nghiên cứu trên thế giới
a) Về nhận thức, đánh giá về TT&TH
Nhìn chung, có nhiều nghiên cứu trên thế giới bàn luận nhiều về các thiệt hại do BĐKH, đặc biệt là các thiệt hại về kinh tế, tuy nhiên, cách hiểu về TT&TH cũng chưa thực sự hoàn toàn thống nhất. Theo R. Verheyen, có ba loại TT&TH, gồm: (i) TT&TH tránh được (avoided); (ii) TT&TH không tránh được (unavoided) và; (iii) TT&TH không thể tránh được (unavoidable). Loại (i) là các TT&TH tránh được bởi các hoạt động thích ứng và giảm thiểu; loại (ii) là các TT&TH có thể tránh nhưng đã không tránh được do các nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng không phù hợp; loại (iii) là không thể tránh được cho dù đã thực hiện các nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ đúng cách (Erin Roberts et al., 2014). Như vậy, có thể thấy rằng, cách hiểu về TT&TH trong nghiên cứu này có khác và loại TT&TH thứ (iii) mới đúng như khái niệm của UNFCCC.
Bên cạnh các thiệt hại về kinh tế, một số nghiên cứu gần đây cũng đã bắt đầu đề cập đến các thiệt hại phi kinh tế. A. Nishat và cộng sự (2013) đã thực hiện nghiên cứu về các TT&TH do tác động của nước biển dâng ở Bangladesh, đề cập đến các thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản (thiệt hại kinh tế) cũng như thiệt hại về hệ sinh thái rừng ngập mặn và các vấn đề xã hội và sinh kế (thiệt hại phi kinh tế) (Nishat et al, 2013). Trong một nghiên cứu khác cũng ở Bangladesh, các TT&TH phi kinh tế cũng đã được đánh giá ở một số khu vực ven biển gồm: (i) sự ảnh hưởng đến giáo dục và sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân; (ii) tác động đến các phong tục, tập quán truyền thống (traditions), đến mối quan hệ họ hàng, người thân… và; (iii) các thiệt hại về đa dạng sinh học (các loài) và các dịch vụ hệ sinh thái do xâm nhập mặn (ADB, 2014).
Trong nghiên cứu về đảo Kosrae, Micronesia, một quốc đảo nhỏ ở phía nam Thái Bình Dương (nơi hàng năm mực nước biển dâng cao 10 mm so với trung bình toàn cầu là 3.2 mm), I.Monnereau I và S. Abraham (2013) dự báo các thiệt hại về mất mát lãnh thổ do xói lở bờ biển, triều dâng và các TT&TH khác.
b) Về phương pháp xác định TT&TH
Theo UNFCCC, để đánh giá/lượng giá được các TT&TH, có thể dùng nhiều phương pháp, ví dụ như: lượng giá kinh tế (economic valuation); phân tích đa tiêu chí (multicriteria decision analysis-MCDA); sử dụng các chỉ số tổng hợp về rủi ro (composite risk indices); phương pháp định tính/bán định lượng (qualitative/semi-quantitative methods)…. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc vào loại hình TT&TH và điều kiện, bối cảnh cụ thể khi TT&TH xảy ra (UNFCCC, 2013).
Từ những năm 70 của thế kỷ 20, khung phương pháp đánh giá TT&TH do thiên tai (Damage and Loss Assessment - DALA) đã được Ủy ban kinh tế khu vực Châu Mỹ và Caribe (UN ECLAC) xây dựng (UN ECLAC, 2003).Vào những năm 1990s, DALA được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế (Thái Lan, Philliphines, Ngân hàng Thế giới...) sử dụng rộng rãi hơn để đánh giá TT&TH về kinh tế - xã hội sau thiên tai. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, DALA cũng tồn tại môt số hạn chế nhất định, như không đánh giá được tất cả các đặc tính tâm, sinh lý, vấn đề giới... của các nạn nhân do thiên tai gây ra. Vì vậy, năm 2014, UN ECLAC đã xây dựng và phát hành sổ tay hướng dẫn phiên bản thứ 3, trở thành khung phương pháp đánh giá TT&TH tổng hợp đầu tiên lồng ghép việc đánh giá TT&TH kinh tế với các vấn đề phi kinh tế, như vấn đề giới, môi trường (UN ECLAC, 2014).
Bên cạnh DALA, có một số cách tiếp cận đánh giá TT&TH, như: đánh giá nhu cầu phục hồi sau thiên tai (Post Disaster Needs Assessment - PDNA); đánh giá quản lý khẩn cấp của Úc (Emergency Management of Australia - EMA). PDNA gồm DALA và đánh giá nhu cầu phục hồi sau thiên tai của con người; PDNA hướng tới giải quyết các vấn đề về TT&TH một cách dài hạn. Ngân hàng Thế giới, Quỹ toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi sau thiên tai, Pakistan và một số nước khác đã áp dụng PDNA, trong khi Úc lại sử dụng cách tiếp cận đánh giá quản lý khẩn cấp (EMA) với ưu điểm là đánh giá được các TT&TH kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn (APEC, 2009).
Trong nghiên cứu “Giá trị môi trường, các phương pháp lượng giá và đánh giá thiệt hại do thiên tai”, C. Dosi đã tổng hợp các khái niệm về giá trị môi trường từ góc độ kinh tế, đồng thời tổng quan các phương pháp định giá thiệt hại bằng tiền, qua đó làm cơ sở cho việc tích hợp các biện pháp giá trị vào ước tính thiệt hại sau thiên tai. Các phương pháp lượng giá thiệt hại môi trường bao gồm phương pháp giá thị trường, phương pháp thay đổi năng suất, chi phí thay thế… (Cesare Dosi, 2000).
c) Về biện pháp ứng phó với các TT&TH
Về mặt lý thuyết, để ứng phó với các TT&TH cần phải thực hiện đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, lịch sử phát thải khí nhà kính trên toàn cầu đã gây ra BĐKH cùng với các tác động của nó ở một mức độ nhất định mà không thể tránh được. Vì vậy, cần phải nhân rộng các tập quán thích ứng tốt, đồng thời xây dựng và áp dụng các phương pháp ứng phó với các TT&TH không thể tránh khỏi (UNFCCC, 2013).
Trong nghiên cứu tổng quan về TT&TH, E. Roberts và cộng sự đã rà soát các nghiên cứu và nhận thấy rằng, TT&TH sẽ lớn hơn nếu không áp dụng các biện pháp thích ứng, hoặc các biện pháp không được thực hiện đầy đủ, không có tầm nhìn dài hạn. Ở cấp quốc gia, cần nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý rủi ro toàn diện, bao gồm giảm nhẹ và chuyển hóa rủi ro, thiết lập cơ chế bảo hiểm và mạng lưới an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự điều phối và hợp tác giữa các bộ ngành và các cơ quan liên quan trong ứng phó với TT&TH. Đặc biệt, cần tăng cường sự hài hòa, phối kết hợp giữa các hoạt động thích ứng với BĐKH và các chương trình giảm nhẹ rủi ro về TT&TH. Thông thường, các chính sách thích ứng với BĐKH cấp quốc gia tập trung vào các tác động lâu dài của BĐKH trong khi các chính sách ở cấp địa phương thường tập trung giảm nhẹ rủi ro bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra (Erin Roberts et al., 2014).Tương tự, ActionAids, Care International và WWF cũng chỉ ra rằng, cần có một khung phương pháp toàn diện để giải quyết các vấn đề về TT&TH, bao gồm: (i) phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và; (ii) đền bù và phục hồi TT&TH, bao gồm các TT&TH kinh tế và phi kinh tế. Theo đó, việc nghiên cứu đánh giá TT&TH phi kinh tế cần phải được tăng cường trên cơ sở các nội dung về TT&TH đã được Cơ chế Vác-sa-va đề cập (ActionAid, Care and WWF, 2012; ActionAid, Care 2015).
Về các loại hình giải pháp ứng phó, E. Roberts và cộng sự (2014) cho rằng các giải pháp cứng (như xây dựng các đê, kè biển, trồng cây chắn sóng…) là chưa đủ để phòng chống và giảm nhẹ TT&TH một cách toàn diện bởi chúng chưa khắc phục được một số TT&TH phi kinh tế như hệ sinh thái và di sản văn hóa. Vì vậy, các nội dung, nhiệm vụ của Cơ chế Vac-sa-va về TT&TH cần phải dành một phần nguồn lực cho việc xử lý các TT&TH có thể phòng tránh trong tương lai. Tổng quan lại, các tác giả cho rằng, để phòng tránh và giảm nhẹ TT&TH đòi hỏi cần có những hành động ở nhiều cấp và nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: giảm nhẹ, thích ứng, quản lý tổng hợp rủi ro và phát triển bền vững. Các cơ chế, tổ chức hiện nay đang được quản lý và vận hành một cách đơn lẻ, mang tính kinh nghiệm, truyền thống, cần có sự điều phối và hợp tác tốt hơn giữa các bên liên quan. Trong khi đó, để xử lý các TT&TH cần có sự tập trung và nỗ lực lớn hơn trong nghiên cứu và hành động chính sách. Các nỗ lực toàn cầu cũng như nỗ lực của các quốc gia trong việc phòng tránh các tác động phát sinh của BĐKH chưa đủ để xử lý các vấn đề liên quan đến TT&TH vì vậy cần có sự chuẩn bị để xây dựng một xã hội có khả năng phòng tránh và chống chịu với TT&TH (Erin Roberts et al., 2014).
3. Thực trạng chính sách ứng phó và tình hình nghiên cứu về tổn thất và thiệt hại ở nước ta
a) Chính sách, pháp luật liên quan đến thiệt hại do BĐKH
Trong thời gian qua, thể chế và chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH ở nước ta đang dần được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy về BĐKH đang từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; các văn bản chính sách, pháp luật tiếp tục được xây dựng, ban hành như Nghị quyết 24/NQ-TW của BCH TW Đảng, Chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pari, Luật BVMT 2014... Là nước chịu nhiều tác động của BĐKH, đặc biệt là thiên tai, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để ứng phó với các TT&TH như Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng thủy văn 2015. Luật Phòng, chống thiên tai đã quy định việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả. Theo đó, các Bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm tổng hợp, thống kê, đánh giá, báo cáo thiệt hại; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi cả nước.
Từ năm 2006, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá thiệt hại và đánh giá nhu cầu cứu trợ do thiên tai gây ra, trong đó tập trung vào các thiệt hại về tài sản và tính mạng con người (Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, 2006). Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 43/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 19/6/2013 hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai. Thông tư đã hướng dẫn chi tiết nội dung báo cáo, các chỉ tiêu, biểu mẫu thống kê các thiệt hại vật chất do thiên tai gây ra.
Thực hiện Luật Khí tượng thủy văn 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 về Quy định việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia, theo đó, đánh giá tác động của BĐKH bao gồm việc phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực, tích cực, ngắn hạn và dài hạn của BĐKH đến tài nguyên môi trường, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ chế bảo hiểm đã được áp dụng thử nghiệm theo Quyết định số 315/QÐ-TTg ngày 01/3/2011 về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 20 tỉnhđối với trồng trọt (cây lúa), chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và nuôi trồng thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng). Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó bao gồm cả các loại hình thiệt hại do thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần).
b) Các nghiên cứu liên quan đến thiệt hại do BĐKH
Ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu về các thiệt hại do thiên tai và BĐKH. Từ năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Dự án“Điều tra, xác định nguyên nhân và đánh giá ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ lụt) đến môi trường và đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm tại các vùng đông dân cư, phân lũ, thoát lũ và khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt” tại các vùng tiêu biểu bị tác hại của cơn bão số 5/2007 thuộc 5 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008). Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) và UNDP đã nghiên cứu, xây dựng Tài liệu hướng dẫn “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác định các giải pháp thích ứng” (Trần Thục et al., 2010). Nghiên cứu “Lượng giá thiệt hại môi trường sau thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu: Nghiên cứu điển hình tại Thừa Thiên Huế” đã áp dụng khung lượng giá thiệt hại sau thiên tai của ECLAC (2007) bao gồm hai nội dung: (i) Đánh giá nhanh tác động môi trường sau thiên tai và; (ii) Đánh giá thiệt hại môi trường. Nghiên cứu đã áp dụng thành công các phương pháp lượng giá khác nhau để đánh giá thí điểm, thiệt hại môi trường do bão gây ra tại Thừa Thiên Huế (Nguyễn Hoàng Nam, Lê Hà Thanh, 2015).
Năm 2015, Việt Nam đã công bố “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, 2015” (Bá cáo SREX Việt Nam, 2015), do IMHEN nghiên cứu, xây dựng. Báo cáo đã nêu thiệt hại kinh tế do thiên tai liên quan đến thời tiết và khí hậu đã tăng lên, nhưng có dao động lớn về không gian và giữa các năm. Thiệt hại phi kinh tế có thể rất quan trọng trong một số lĩnh vực, ngành, nhưng thường không được tính đến (Trần Thục và các cộng sự, 2015).
Gần đây, vấn đề TT&TH cũng đã được một số nghiên cứu trong nước đề cập. Lê Minh Nhật và cộng sự đã phân tích về mối quan hệ giữa thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dưới góc nhìn TT&TH. Nhóm tác giả cho rằng để giải quyết các vấn đề TT&TH thì cần phải tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH và năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Lê Minh Nhật và các cộng sự, 2015). Về phương pháp đánh giá các giá trị kinh tế của tài nguyên, môi trường, Lê Kim Anh cho rằng, các nghiên cứu TT&TH kinh tế ở Việt Nam thường áp dụng ba cách tiếp cận phổ biến, gồm: (i) đánh giá phân tích tác động (Impact Analysis Valuation) được sử dụng để đánh giá thiệt hại của môi trường, tài nguyên khi chịu tác động BĐKH hay sự cố tràn dầu, ô nhiễm công nghiệp, thiên tai; (ii) Đánh giá từng phần (Partial Valuation) được sử dụng để đánh giá giá trị kinh tế của hai hay nhiều phương án sử dụng tài nguyên khác nhau; (iii) Đánh giá tổng thể (Total Economic Valuation) được sử dụng để đánh giá phần đóng góp tổng thể của tài nguyên, môi trường cho hệ thống phúc lợi xã hội (Lê Kim Anh, 2015). Một số nghiên cứu có liên quan có thể kể đến như: “Mối liên hệ giữa thích ứng với BĐKH, giảm thiểu rủi ro thiên tai và TT&TH” do Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thực hiện; nghiên cứu “Các cơ chế chuyển giao rủi ro (risk transfer mechanism) ở Việt Nam: thực tế, cơ hội, thách thức” do Lê Thu Hoa thực hiện.
4. Nhận xét chung và đề xuất một số giải pháp
a) Nhận xét chung
Trước hết, vấn đề TT&TH do BĐKH đã được thế giới công nhận và ngày càng quan tâm, được UNFCCC đề cập bằng cơ chế Vac-sa-va (WIM) và là một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Pari về BĐKH. Theo đó, các nước cần tăng cường nhận thức, hiểu biết về TT&TH; đẩy mạnh sự điều phối, hợp tác và; tăng cường sự hỗ trợ trong ứng phó với các TT&TH do BĐKH gây ra.
Thứ hai, về khái niệm, TT&TH được hiểu là những thiệt hại không thể tránh khỏi sau khi đã thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng; có thể được phân loại thành TT&TH kinh tế và TT&TH phi kinh tế. Phương pháp xác định các TT&TH kinh tế về cơ bản đã được nghiên cứu và thiết lập, tuy nhiên các phương pháp xác định các TT&TH phi kinh tế là chưa thực sự rõ ràng.
Thứ ba, các nước, các tổ chức trên thế giới đã bắt đầu triển khai thực hiện các nghiên cứu về TT&TH, về cơ sở lý luận, về các phương pháp đánh giá và các biện pháp để ứng phó. Theo Kreienkamp J. và L. Vanhala,trong tổng số 162 đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) được rà soát, có 28% quốc gia đề cập đến TT&TH, trong đó có 44% các nước đảo nhỏ và 34% các nước kém phát triển. Các nước phát triển không đề cập đến TT&TH trong các NDC bởi vì muốn tránh các trách nhiệm về hỗ trợ và bồi thường tài chính cho các nước bị thiệt hại (Kreienkamp J. và L. Vanhala, 2016).
Cuối cùng, mặc dù bước đầu đã được đề cập đến trong một số nghiên cứu song có thể thấy, vấn đề TT&TH do BĐKH ở Việt Nam mới chỉ được quan tâm nhiều ở khía cạnh các thiệt hại vật chất/kinh tế do thiên tai gây ra. Các TT&TH phi kinh tế, nhìn chung, mới chỉ dừng ở một số ít nghiên cứu. Một kế hoạch tổng thể quốc gia về thích ứng với BĐKH chưa được xây dựng, chưa có những giải pháp quản lý tổng hợp về ứng phó với TT&TH do BĐKH.
b) Một số giải pháp trong thời gian tới
TT&TH do BĐKH là vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam về lâu dài khi BĐKH đang diễn biến nhanh hơn dự báo, với những tác động ngày càng gia tăng. Vì vậy, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần triển khai thực hiện các nghiên cứu về TT&TH do BĐKH, trong đó cần làm rõ cơ sở lý luận và các phương pháp đánh giá về TT&TH một cách có hệ thống; nhận diện đầy đủ các loại hình, quy mô, xu hướng về TT&TH; lượng giá, đánh giá các TT&TH do BĐKH ở nước ta. Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đang thực hiện nghiên cứu về TT&TH, trong đó tập trung vào các phương pháp xác định TT&TH, đặc biệt là các TT&TH phi kinh tế.
Thứ hai, cần tích cực phổ biến các kiến thức, hiểu biết, nâng cao nhận thức về TT&TH do BĐKH gây ra cho các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt ở những khu vực, địa phương có nguy cơ bị TT&TH cao.
Thứ ba, từng bước đưa nội dung TT&TH do BĐKH vào các văn bản quản lý, tích hợp vấn đề TT&TH trong các chiến lược, chính sách phát triển của quốc gia, ngành và địa phương. Trước hết, vấn đề TT&TH cần được bổ sung, cập nhật rõ ràng hơn trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hiện đang được sửa đổi.
Thứ tư, về lâu dài, cần xây dựng các định hướng chiến lược, các giải pháp chính sách để ứng phó với TT&TH ở nước ta. TT&TH cần được đề cập rõ ràng trong chiến lược quốc gia về BĐKH và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan cho giai đoạn 2021-2030, đặc biệt trong Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH. Cần xác định rõ mối liên hệ, sự phối kết hợp giữa quản lý rủi ro thiên tai và các giải pháp thích ứng với BĐKH để cùng hướng tới mục tiêu ứng phó hiệu quả với các TT&TH. Quá trình xây dựng chính sách cần có sự tham gia của đầy đủ các bên liên quan, đặc biệt là các khu vực, các cộng đồng chịu nhiều TT&TH.
Cuối cùng, triển khai thực hiện Thỏa thuận Pari trong thời gian tới, Việt Nam cần có những bước đi chủ động trong việc đàm phán quốc tế về BĐKH. Cùng với các nước chịu nhiều thiệt hại do BĐKH, Việt Nam cần tích cực đưa ra các bằng chứng, các đánh giá và dự báo về TT&TH do BĐKH, từ đó huy động sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của các nước phát triển, là những bên có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về giảm nhẹ, thích ứng và xử lý các TT&TH, theo như cam kết tại Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Pari về BĐKH./.
TS. Nguyễn Trung Thắng, ThS. Ngân Ngọc Vỹ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn