Tỷ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà trắng nhiệm kỳ 2017-2021 sẽ tác động tới chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu như thế nào?

Thứ năm - 17/11/2016 14:53
Kỳ 1: Tân Tổng thống Donald Trump và một số quan điểm về biến đổi khí hậu của ông Ngày 8 tháng 11 năm 2016, tỷ phú Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa đã chiến thắng bà Hillary Clinton, ứng viên Đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ ( nhiệm kỳ 2017-2021). Việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử một cách kịch tính, ngoạn mục, vô tiền khoáng hậu và sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới vẫn đang là chủ đề nóng không chỉ trong giới truyền thông, người dân Mỹ mà còn là chủ đề mang tính thời sự đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm, bàn luận. Một trong những vấn đề được chú ý nhiều nhất là những quan điểm của ông Trump về biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động tới chính sách BĐKH toàn cầu sau khi ông đắc cử.

Ông Donald Trump phát biểu mừng chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng (CNN)

Mặc dù chưa chính thức trở thành ông chủ của Nhà trắng (theo thông lệ, ông Donald Trump sẽ tiếp nhận quyền điều hành đất nước từ Tổng thống đương nhiệm Obama và chính thức là tân Tổng thống vào ngày 20 tháng 01 năm 2017), nhưng ngay trong chiến dịch tranh cử ông Donald Trump đã tuyên bố và thể hiện rất rõ quan điểm của mình về chính sách của Mỹ trong lĩnh vực BĐKH theo hướng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) đặc biệt là việc thực hiện Thỏa thuận Paris, COP 21, năm 2015 đã được 196 quốc gia cam kết thực hiện.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, liên quan tới các vấn đề về môi trường và BĐKH, bà Hillary Clinton đã đưa ra chủ trương ưu tiên “Bảo vệ động vật hoang dã và ứng phó hiệu quả với BĐKH”, trong khi ông Trump không đề cập đến các vần đề về môi trường.

Bên cạnh đó, bà Clinton đã cảnh báo về những tác động tiêu cực của BĐKH đối với con người, đồng thời cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của BĐKH là do con người gây ra. Trong khi đó ông Trump có khác biệt về quan điểm với bà Clinton và cho rằng vấn đề “Trái đất nóng lên” hay “Biến đổi khí hậu” được đưa ra là vì lợi ích của nước khác, đặc biệt có lợi cho Trung Quốc, từ đó làm cho năng lực cạnh tranh về sản xuất của Mỹ yếu đi. Ngoài ra, ông cũng không thừa nhận các bằng chứng khoa học về BĐKH toàn cầu; đồng thời cảnh báo rằng có thể ông sẽ không ủng hộ hoặc trì hoãn cam kết thực hiện Thỏa thuận.

Theo quan điểm của ông Trump, thay vì dành những nguồn lực tài chính cho BĐKH, nước Mỹ nên tập trung ưu tiên hỗ trợ cho những vấn đề toàn cầu, như: nước sạch, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao sản xuất lương thực hoặc phát triển các nguồn năng lượng thay thế… Đối với vấn đề nước sạch, không chỉ với Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu, ông cho rằng “chúng ta cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng nước sạch bằng các giải pháp cung cấp nước sạch khả thi để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận…”

Ở trong nước, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường và BĐKH, ông đặt vấn đề và nghi ngờ tính hiệu quả hiện nay của Cơ quan Bảo vệ môi trường Liên bang (EPA) và một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan, đồng thời đề xuất giải thể hoặc tái cơ cấu tổ chức hoạt động của cơ quan này theo hướng tinh giản và hiệu quả hơn.

Hội nghị COP 22 tại Ma-rốc

Trước một ngày bầu cử Tổng thống của Mỹ, ngày 7 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia UNFCCC (COP 22) chính thức khai mạc tại Bab Ighli, Ma-ra-ket, Ma-rốc, 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới đã tham gia Hội nghị. Mục tiêu chính của Hội nghị là thiết lập các quy tắc thực hiện Thỏa thuận Paris có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016 (sau khi được 100 quốc gia gây ra ớii 68% tổng lượng phát thải dẫn đến hiệu ứng nhà kính trên thế giới phê chuẩn). COP 22 là cơ hội để các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do BĐKH trình bày các kế hoạch riêng của mình về ứng phó với BĐKH, ông Salaheddine Mezouar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ma-rốc, Chủ tịch COP 22 cho rằng mục tiệu của Hội nghị rất là khó khăn vì buộc phải tìm được sự đồng thuận của các bên để thực hiện Thỏa thuận Paris sau thất bại về thực hiện các cam kết của Nghị định thư Kyoto tại COP 15, Copenhagen, Đan Mạch năm 2009. Mặc dù COP 22 chưa kết thúc, nhưng chúng ta mong muốn Hội nghị sẽ thành công và đạt được các mục tiêu mong đợi.

Đến nay, chưa thể dự đoán và khẳng định chính xác rằng các chính sách mới về BĐKH của tân Tổng thống Donald Trump có gây trì hoãn, hoặc cản trở việc thực hiện Thỏa thuận Paris hay không, nhưng chắc chắn sẽ có những tác động đến chính sách BĐKH toàn cầu. Tuy nhiên, với những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc cam kết và thực hiện Thỏa thuận Paris, hi vọng chính sách mới của tân Tổng thống Donald Trump sẽ không những không trì hoãn, cản trở việc thực hiện Thỏa thuận Paris mà còn góp phần tích cực trong việc thực hiện các kế hoạch cụ thể sẽ được các bên tham gia UNFCCC thống nhất tại COP 22.

 

ThS. Ngân Ngọc Vỹ
Phó Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tài liệu tham khảo:

- Newyork Time (http://www.nytimes.com/2016/11/11/us/politics/donald-trump-climate-change.html)

- ClimateHome (http://www.climatechangenews.com/2016/11/09/the-paris-agreement-will-survive-president-trump/)

- Businessinsider (http://www.businessinsider.com/donald-trump-climate-change-global-warming-environment-policies-plans-platforms-2016-10)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây