Xã hội hóa giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước
Trên thực tế, để phục hồi những dòng sông đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm hiện nay, đòi hỏi phải kết hợp giữa biện pháp phi công trình và công trình, trong nhiều trường hợp hạ tầng kỹ thuật công trình có vai trò chủ đạo. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc…), để bảo đảm tính hiệu quả về mặt môi trường - kinh tế - xã hội, việc phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm không chỉ đơn thuần xem xét các vấn đề về cải thiện chất lượng nước, lưu thông dòng chảy mà còn phải kết hợp thống nhất với việc khôi phục, phát triển hệ sinh thái, hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo tính đa mục tiêu, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội, không gian sống ven sông trên cơ sở phát huy tối đa giá trị tiềm năng của nguồn nước và các đối tượng ven sông... Do đó, các dự án phục hồi dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt thường gắn liền với các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, cải tạo cảnh quan ven sông; đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, lộ trình, kế hoạch rõ ràng và nguồn kinh phí đầu tư lớn.
Ở nước ta, trong những năm qua, một vài địa phương đã chủ động triển khai thực hiện những dự án có liên quan như Dự án “Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì” của Hà Nội, Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TP. Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án phục hồi dòng sông đã được triển khai mới chỉ mang tính thí điểm, số lượng là rất ít, gần như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế với tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước hiện nay. Đồng thời, do phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước nên tiến độ của các dự án này cũng thường bị kéo dài, chậm trễ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.
Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ lưu vực sông nói riêng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều dự án, chương trình xử lý ô nhiễm, phục hồi nguồn nước, môi trường tại các lưu vực sông chậm tiến độ. Nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng cao, ngân sách nhà nước đang ngày càng chịu áp lực lớn; trong khi đó, việc huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư chưa được thực hiện do chưa có quy định rõ ràng và cơ chế hiệu quả. Luật Tài nguyên nước năm 2012 (Điều 10, 12 và 28) mới chỉ quy định nguồn kinh phí triển khai đối với việc quan trắc tài nguyên nước, xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, điều tra cơ bản tài nguyên nước do ngân sách nhà nước bảo đảm. Vì vậy, chính sách xã hội hoá chưa được thể hiện và quy định rõ trong Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước là cần thiết và thiết yếu, góp phần quan trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thị một cách hiệu quả, đồng bộ. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế cũng đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn lực và thúc đẩy xã hội hóa, cụ thể: “đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển…”.
Xã hội hóa đặt ra trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Chính sách xã hội hoá là một trong những chính sách mới của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), hiện được quy định tại các Điều 72, 73 của Dự thảo Luật. Trong đó, quy định rõ nguồn lực cho bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước; làm rõ các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và quy định các vấn đề về điều kiện, ưu đãi, hỗ trợ để tăng cường thúc đẩy xã hội hoá ngành nước.
Cụ thể, Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định về xã hội hoá đối với các hoạt động phục hồi các dòng sông, hồ, ao bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước khác; xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ tạo cảnh quan ven sông, hồ; công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; xây dựng, vận hành công trình điều hòa, điều tiết nguồn nước, trữ nước; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực; xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định điều hoà, phân phối nguồn nước; xây dựng, vận hành công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất; nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; truyền thông, giáo dục, nâng cao ý thức khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên nước trong quy định về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước.
Đặc biệt, Dự thảo Luật bổ sung quy định về xã hội hoá của Luật Tài nguyên nước theo hướng Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; cung cấp dịch vụ phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và pháp luật có liên quan.
Việc quy định chính sách xã hội hoá đối với các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước trong Dự thảo Luật Tài nguyên (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội vào bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Nguyễn Hồng Hiếu
(Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn