1. Diện tích và độ che phủ rừng của VN có xu hướng tăng chủ yếu là rừng trồng mới
Năm 1990, diện tích rừng của Việt Nam chỉ còn 9.175.000 ha, độ phủ của rừng chỉ 27,8%. Nhờ phát triển trồng rừng mà tới năm 2020, Việt Nam có 14.677.215 ha đất có rừng. Trong đó, 10.279.185 ha là rừng tự nhiên và 4.398.030 ha là rừng trồng. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557 ha, tỷ lệ che phủ là 42,01 % (Bộ NN&PTNT, 2021). Theo Báo cáo của Chính phủ (2018), trong 3 năm 2016-2018, diện tích rừng giảm trung bình là 2.430 ha/năm. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT (2021), từ 2010-2020 cho thấy rừng tự nhiên có xu hướng giảm từ 10.304.816 ha vào năm 2010 xuống 10.279.185 ha vào năm 2020. Diện tích rừng trồng tăng từ 3.083.300 vào năm 2010 lên 4.398.030 ha vào năm 2020.
Diện tích rừng nói chung tăng nhưng diện tích rừng tự nhiên bị giảm (hiện còn khoảng 300.000 ha). Diện tích rừng trồng tăng, thường thuần loài nên mức độ đa dạng các nhóm động vật sống trong rừng cũng kém đa dạng hơn nhiều so với rừng tự nhiên vốn là rừng nhiệt đới thường xanh nhiều tầng thực vật (Bộ TN&MT, 2019).
Hình 1. Diễn biến diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng giai đoạn 2005-2020
(Nguồn: Bộ NN&PTNT, 2006-2021)
Diễn biến rừng ngập mặn (RNM) ven biển Việt Nam từ năm 1943 (408.500 ha) tới 2009 cho thấy xu thế giảm rất mạnh tới cực thấp vào năm 2003 (83.288 ha), tức là sau 60 năm, bị mất 4/5 diện tích RNM. Những năm gần đây, nhờ có chính sách trồng rừng nên diện tích RNM từ năm 2007 tới năm 2017 cho thấy có xu hướng tăng.
(Nguồn:VNFOREST, 2007-2018)
2. HST sông, suối, hồ, hồ chứa và vùng cửa sông bị suy thoái và suy giảm mức ĐDSH
Sông, suối, hồ và hồ chứa là những HST ĐNN nội địa có mức ĐDSH cao. Trong đó sông, suối là nơi phát tán các quần thể động vật thủy sinh cho các thủy vực nước ngọt nội địa khác trên vùng lưu vực.Việt Nam hiện có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài hơn 10 km, phân bố ở 108 lưu vực sông, trong đó, 15 lưu vực có diện tích hơn 2.500 km2 và 10 lưu vực sông rộng hơn 10.000 km2 (Bộ TN&MT, 2015). Hai hệ thống sông quan trọng nhất là hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cửu Long (sông Mê Kông). Hệ thống các sông suối hàng năm được bổ sung tới 310 tỷ m3 nước.
Việt Nam hiện có trên 100 hồ tự nhiên với diện tích mỗi hồ từ 10 ha trở lên, khoảng 7.000 hồ chứa cho thủy lợi và thủy điện. Trong đó, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước. Diện tích các hồ tự nhiên bị thu hep do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Vào đầu thế kỷ XIX, theo thống kê, riêng ở thành phố Hà Nội (cũ) có tới 602 hồ lớn nhỏ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, con số này đã giảm đi đáng kể. Theo số liệu thống kê cho đến tháng 8/2012, trên địa bàn 9 quận nội thành Hà Nội chỉ còn 110 hồ với tổng diện tích hơn 1.000 ha.
Một đặc điểm đáng lưu ý là quá trình diễn thế sinh thái hồ chứa sẽ diễn ra. Đặc trưng cơ bản tác động đến diễn thế hình thái hồ là quá trình lắng đọng trầm tích, quá trình này theo thời gian tiến tới làm đầy dần lòng hồ. Khi đó, dung tích và diện tích mặt nước hồ giảm đi, hồ chứa tiến tới thành đầm lầy, thậm chí thành hệ sinh thái ở cạn (Đặng Ngọc Thanh, Hồ Thanh Hải và cs., 2002). Một thí dụ khác về diễn thế của đầm Trà Ổ (Bình Định): trong quá trình tương tác sông- biển và sự dịch chuyển cồn cát, đã làm thay đổi hình thái và vị trí của cửa đầm. Đặc biệt, thời gian gần đây, do tác động của con người trong việc cải tạo đầm, đã gia tăng tốc độ diễn thế của đầm Trà Ổ theo hướng trở thành đầm lầy than bùn và tiến tới sẽ thành vùng đất trũng. Hiện nay, nhân dân địa phương đã và đang khai thác than bùn ở phần phía Đông của đầm.
Việt Nam có 114 cửa sông, được phân bổ đều (cứ 25 km bờ biển có một cửa sông) trên khắp lãnh thổ của 24 tỉnh, thành phố ven biển, tạo ra các quần thể sinh vật vùng cửa sông đa dạng và phong phú gồm cả các nhóm thích ứng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Hai cửa sông lớn nhất của Việt Nam là cửa sông Hồng và cửa sông Mê Kông. Ba Lạt - cửa sông chính của sông Hồng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật và là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước có tầm quan trọng quốc tế trên con đường di cư của chúng. Định An - cửa sông lớn nhất trong các cửa sông Cửu Long cũng là nơi cư trú và sinh sản quan trọng của nhiều loài thủy sản di cư từ thượng nguồn sông Mê Kông (Lê Đức An và cs., 2011).
Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở các vùng lưu vực sông, các vùng cửa sông và ven bờ biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ thủy, hải văn, lưu lượng nước, chất lượng nước, trầm tích của các dòng sông vùng hạ lưu. Đặc biệt thấy rõ do có quá nhiều các hồ đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính Mê Kông ở vùng trung và thượng lưu cho nên lượng nước sông Mê Kông gồm cả dòng trầm tích tới đồng bằng sông Cửu Long đã suy giảm nhiều, mùa lũ ở đây đã giảm về mực nước lũ, thời gian lũ. Hiện tượng sói lở các vùng bờ của hệ thống sông Cửu Long gia tăng nghiêm trọng trong thời gian gần đây (Bộ TN&MT, 2019).
Nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý được đổ vào các sông, hồ, và biển ven bờ không được kiểm soát chặt chẽ đã làm ô nhiễm môi trường, làm suy thoái các hệ sinh thái thủy vực, làm suy giảm ĐDSH: gây hiện tượng nở rộ thực vật nổi ở các hồ nước ngọt nội địa, thủy triều đỏ ở một số vùng biển ven bờ làm chết hàng loạt động vật thủy sinh, đặc biệt là cá (Bộ TN&MT, 2019).
3. Đầm lầy than bùn bị suy giảm về diện tích và độ dày tầng than bùn
Đầm lầy than bùn phân bố rải rác ở Việt Nam. U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) được xem là 2 nơi lưu giữ một diện tích rừng tràm trên đất than bùn lớn nhất còn sót lại tại Việt Nam.Theo số liệu trước đây, năm 1950 khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha, nhưng đến năm 1970 thì chỉ còn khoảng 200.000 ha. Năm 1976, Cục Khảo sát địa chất Việt Nam đã ghi nhận có 12.400 ha đất than bùn ở U Minh Thượng và 20.200 ha đất than bùn ở U Minh Hạ. Hiện nay, diện tích đất than bùn chỉ còn 2.800 ha ở U Minh Thượng và 7.500 ha ở U Minh Hạ với độ dày của các lớp than bùn dao động từ 0,4 m đến 1,2 m (Trần Triết, 2016).
4. Bãi triều tự nhiên bị tác động
Một diện tích lớn các bãi triều đã được sử dụng để nuôi trồng thủy sản ven biển. Việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bừa bãi đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sinh thái như sự mất cân bằng của các hệ sinh thái khác nhau ở vùng triều. Ô nhiễm môi trường vùng triều đến từ việc nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc công nghiệp thiếu quản lý và các hoạt động kinh tế khác của con người diễn ra trên diện rộng ở đới ven bờ.
5. Đầm phá bị suy thoái ở các mức độ khác nhau
Tất cả 12 HST đầm hồ ven biển miền Trung đã bị suy thoái ở mức độ khác nhau khi cả cấu trúc và chức năng, diện tích phân bố và thể tích khối nước đầm đã bị suy giảm theo các bậc không gian và thời gian. Trong đó, HST đầm Nại bị suy thoái nặng (nghiêm trọng), đầm Thị Nại và Tam Giang - Cầu Hai bị suy thoái mức trung bình (Nguyễn Văn Quân và cs., 2015).
6. Rạn san hô ở biển Việt Nam đang suy giảm về diện tích và độ phủ san hô sống
Trong vùng biển Việt Nam, có thể phân biệt bốn vùng phân bố san hô chính: Vùng san hô quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Vùng san hô ven biển miền Trung và các đảo Đông Nam Bộ; Vùng san hô phía Tây vịnh Bắc Bộ; và Vùng san hô biển Tây Nam Bộ. Trong các hệ sinh thái biển quan trọng, hệ sinh thái rạn san hô được xem là dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2008-2010, tổng diện tích thật có của rạn san hô Việt Nam còn khoảng 14.130 ha (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển). Theo dẫn liệu của Nguyễn Văn Long và Võ Sĩ Tuấn (2014), có 403 loài san hô cứng với tổng diện tích rạn san hô ở vùng biển Việt Nam là 13.355 ha, trong đó 9.179 ha trong KBT biển. Độ phủ san hô sống trên rạn ở các vùng ven bờ đang bị giảm dần theo thời gian. Chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao (với độ phủ >75%) trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới trên 31% (với độ phủ <25%), số rạn có độ phủ trung bình và khá lần lượt là 41% và 26% (Viện Hải dương học, 2008).
Các mối đe dọa đối với rạn san hô cũng được xác định bao gồm: khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm, sự bùng nổ của sinh vật địch hại như sao biển gai, cầu gai đen, xâm thực của hải miên, tai biến thiên nhiên như: nở hoa của tảo trên diện rộng ở vịnh Cà Ná vào năm 2002; bùng nổ sao biển gai ở các vịnh Nha Trang, Vân Phong và vùng biển Cù Lao Chàm (2002 - 2004); tác động tích lũy của nhiệt độ cao và độ muối thấp trong một giai đoạn ngắn ở Côn Đảo (2005); nước lũ từ đất liền ảnh hưởng đến rạn san hô vùng biển Cù Lao Chàm (2006); và sự tẩy trắng hàng loạt san hô ở vùng biển Phú Quốc (2010) (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2005, 2013). Các nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi sinh vật rạn ở các vùng ven bờ Việt Nam cũng phản ảnh thực trạng quá nghèo nàn về thành phần loài của các nhóm cá, thân mềm, da gai, giáp xác (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2008). Điều này cho thấy một thực trạng là rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý và ô nhiễm môi trường.
7. Thảm cỏ biển bị suy giảm về diện tích
Theo Nguyễn Văn Tiến (2013), diện tích thảm cỏ biển của Việt Nam là 18.130 ha. Theo số liệu thống kê sử dụng công nghệ viễn thám mới được công bố của Cao Văn Lượng và cộng sự (2012) thì diện tích thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam vào khoảng 17.000 ha, phân bố rải rác trong các vịnh, ven các đảo và trong các đầm phá. Diện tích cỏ biển lớn nhất là ở vùng nước nông khu vực đảo Phú Quốc (trên 10,000 ha) với 9 loài (Tiến và cs., 2006). Cao Văn Lương và cộng sự (2012) đã chỉ ra rằng diện tích các thảm cỏ biển đã suy giảm đến 50% so với năm 1999, riêng thảm cỏ biển trong đầm Tam Giang - Cầu Hai đã giảm 60% diện tích so với năm 1999. Nguyên nhân suy giảm thảm cỏ biển chủ yếu từ các hoạt động của con người như đánh bắt cá, neo đậu thuyền, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường cũng làm tăng độ đục của nước; các hoạt động xây dựng cảng, công trình phục vụ du lịch... (Bộ TN&MT, 2019).
8. Số lượng các loài bị đe dọa tăng lên
Trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị de dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), trong đó có tới 9 loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam, cụ thể là: tê giác hai sừng (Dicerorhynus sumatrensis), bò xám (Bos sauveli), heo vòi (Tapirus indicus), cầy rái cá (Cynogale lowei), cá chép gốc (Procypris merus), cá chình nhật (Anguilla japonica), cá lợ thân thấp (Cyprinus multitaeniata), hươu sao (Cervus nippon), cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus).
Số lượng loài nguy cấp tăng lên: trong phạm vi đề tài độc lập cấp nhà nước năm 2014-2017: “Điều tra, đánh giá các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ nhằm tu chỉnh Sách đỏ Việt Nam”, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là cơ quan chủ trì phối hợp với một số viện nghiên cứu khác đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài với các bậc phân hạng mới, gồm: 600 loài thực vật và nấm; 611 loài động vật. Như vậy, so với Sách đỏ Việt Nam 2007 thì số lượng loài đề xuất vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn mới này tăng hơn nhiều (Bộ TN&MT, 2019).
9. Số lượng cá thể các loài nguy cấp bị suy giảm hoặc đã lâu không thấy
Đặc biệt, năm 2011, phân loài Tê giác việt nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã chính thức bị tuyệt chủng ở Việt Nam (Gersmann, 2011).Trong hệ thực vật, loài Lan hài Việt Nam (Paphiopedilum vietnamense) đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.
Các kết quả quan trắc nhiều năm ở một số vùng chim quan trọng cho thấy số lượng cá thể các loài quý, hiếm, đặc biệt các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu ở các KBT giảm dần, thậm chí một số loài nhiều năm nay không gặp lại.
Theo điều tra của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) năm 2003, Phú Quốc và Côn Đảo là hai vùng biển còn lại của Việt Nam có bò biển (Dugong dugon) sinh sống, với số lượng không quá 100 con. Theo thông tin từ Ban quản lý KBT biển Phú Quốc (năm 2016) thì thời gian gần đây, bò biển không thấy xuất hiện ở vùng thảm cỏ biển thuộc KBT biển Phú Quốc nữa do bị săn bắt và suy giảm nơi cư trú.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn