Hội thảo Sáng kiến thúc đẩy Trường học bền vững cho Việt Nam

Thứ hai - 11/11/2019 13:57
Ngày 12/11/2019, để khởi động dự án Giáo dục lối sống bền vững cho học sinh Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT), Viện Chiến lược môi trường toàn cầu - Nhật Bản (IGES) và các đối tác liên quan tổ chức Hội thảo Sáng kiến thúc đẩy Trường học bền vững cho Việt Nam, nhằm chia sẻ thông tin khái niệm và nội dung chương trình Tìm kiếm trường học bền vững toàn cầu do UNEP khởi xướng; Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động xanh trong trường học và giáo dục môi trường cho học sinh và thế hệ trẻ; Phát động chương trình và Tìm kiếm trường học bền vững của UNEP tại Việt Nam. Giám đốc Trung tâm, Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường (thuộc ISPONRE) - TS. Nguyễn Tùng Lâm chủ trì Hội thảo. Hội thảo thu hút được đại diện Ban Giám hiệu các trường học và quý thầy cô thuộc các trường Tiểu học tại Hà Nội và địa phương; các tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục và đào tạo.

TS. Nguyễn Tùng Lâm phát biểu tại Hội thảo


Để truyền cảm hứng và phổ biến ý nghĩa, cách thức thực hành lối sống bền vững đối với thế hệ trẻ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng các bên liên quan đã đề xuất thực hiện dự án Giáo dục lối sống bền vững cho học sinh Việt Nam. Trong phạm vi triển khai của dự án, các hoạt động cụ thể sẽ được đề xuất và được phối hợp thực hiện với các cơ quan quản lý giáo dục và tại một số cơ sở giáo dục cấp tiểu học tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó, những nhu cầu nêu trên sẽ từng bước được đáp ứng, tạo sự chuyển biển tích cực tại các địa điểm tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, các hoạt động truyền thông liên quan sẽ giúp truyền bá kiến thức, kĩ năng và lan tỏa các hành động thực hành lối sống bền vững trong và ngoài phạm vi trường học tại Việt Nam. Dự án được thực hiện trong các năm 2019 - 2020, với sự phối hợp của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản và được sự tài trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc.

Giáo dục lối sống bền vững là chìa khóa của các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, bổ sung kiến ​​thức và xây dựng năng lực hướng tới cuộc sống bền vững ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương. Ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển và thực hiện các chính sách hoặc chương trình giáo dục môi trường để phát triển bền vững, và một loạt các sáng kiến ​​đã được phát triển và thực hiện để thu hút giáo viên và học sinh hiểu sâu hơn về lối sống bền vững và các hành động đa dạng mà ở đó lối sống bền vững là một phần cốt lõi trong sinh hoạt hàng ngày. Trong bối cảnh đó, các cuộc thi và hoạt động cụ thể nhằm phát triển nhận thức, năng lực mang đến cơ hội tiếp thêm sinh lực để thu hút các trường học và cộng đồng hướng tới những hành động làm xanh hóa môi trường học đường và trong cả các hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường.

Khung chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững là kết quả cụ thể của Hội nghị Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Rio+20); và là một khuôn khổ toàn cầu giúp tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự thay đổi, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các nước phát triển và đang phát triển. Khung chương trình hỗ trợ thực hiện các chính sách, sáng kiến khu vực và quốc gia để xây dựng năng lực nhằm lồng ghép sản xuất và tiêu dùng bền vững vào chính sách phát triển bền vững; tạo điều kiện tiếp cận tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển. Nhiệm vụ của Khung chương trình nhằm đưa việc thực hiện lối sống bền vững trở thành một tiêu chuẩn chung, đóng góp tích cực trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu như: hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đói nghèo và phúc lợi xã hội. Điều này được thực hiện thông qua hợp tác nghiên cứu đa ngành và hợp tác đa bên.

Tại Việt Nam, đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, điển hình là Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… và một số chính sách khác. Tuy nhiên, trên thực tế, giáo dục và thực hành lối sống bền vững tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và hành động nhằm hướng tới giáo dục và lối sống bền vững là vấn đề tất yếu và rất cần thiết.

Dưới đây là một số hình ảnh trong Hội thảo:

An Bình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây