Tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: “Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Từ đó, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải ra môi trường, nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế. So với kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.”
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường có một điều khoản riêng (Điều 142) quy định về kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung quy định tiêu chí lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn. Trọng tâm của Hội thảo là Dự thảo Nghị định về triển khai kinh tế tuần hoàn theo Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các bài học kinh nghiệm của thế giới về chính sách thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Viện trưởng Mai Thế Toản tại Hội thảo đã chia sẻ cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn và các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Trong đó Phó Viện trưởng nhấn mạnh, tiêu chí chung của kinh tế tuần hoàn bao gồm: (1) sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đất đai, tài nguyên nước,...; (2) kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cầu kiện; (3) giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: giảm chất thải, chất ô nhiễm;....
Giới thiệu về mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, phía UNDP Việt Nam đã trình bày mạng lưới có 5 hợp phần chính: Đối thoại chính sách; chia sẻ kiến thức và nghiên cứu điển hình; thông tin về tài chính; diễn đàn doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu.
Hội thảo đã có sự tham gia trình bày tham luận của các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại diện từ nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp.
Bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và trong nước; đại diện cho các Bộ, ngành và các doanh nghiệp tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Thứ trưởng tin tưởng rằng mạng lưới kinh tế tuần hoàn sẽ phát triển nhanh chóng, đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là thúc đẩy quá trình chuyến dịch sang kinh tế tuần hoàn một cách thực chất và hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ngọc Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn