1. Mục tiêu
Nghiên cứu sẽ bổ sung công cụ tính toán về chi phí, lợi ích trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất, góp phần hoàn thiện phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
2. Nội dung
Trong khuôn khổ của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện theo hướng chú trọng vào tìm hiểu, phân tích các yếu tố xung quanh việc áp dụng công cụ phân tích chi phí lợi ích (cost benefit analysis – CBA) trong lập quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam. Thực tiễn đã cho thấy, khi lồng ghép CBA vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều quốc gia đã cho được những kết quả khả quan, phương án được chọn vừa phù hợp với điều kiện thực tế, đem lại lợi ích với chi phí vừa phải và góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.Với việc nghiên cứu tính khả thi trong áp dụng công cụ phân tích chi phí lợi ích trong quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở nghiên cứu định tính kết hợp với định lượng, phân tích dựa trên đồng thời các tiêu chí, mục tiêu khác nhau là cách thức tiếp cận mới đối với lĩnh vực nghiên cứu quản lý đất đai hiện nay.
Nghiên cứu gồm 5 phần:
Phần 1: Cơ sở khoa học của của việc áp dụng công cụ phân tích chi phí – lợi ích (CBA) trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam.
Phần 2: Đánh giá thực trạng sử dụng các công cụ tính toán trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất hiện nay.
Phần 3: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc sử dụng công cụ Phân tích chi phí – lợi ích trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất.
Phần 4: Phân tích, đánh giá khả năng áp dụng công cụ Phân tích chi phí – lợi ích trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam.
Phần 5: Đề xuất áp dụng công cụ Phân tích chi phí – lợi ích (CBA) trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Đổi mới công tác quy hoạch sử dụng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam là một nội dung khá rộng bao gồm đổi mới cả về phương pháp, nội dung, quy trình, cách thức tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất hiện nay chủ yếu dựa trên việc tổng hợp nhu cầu sử dụng đất từ các ngành/lĩnh vực, từ các địa phương, từ định mức sử dụng từng loại đất và dự báo dân số cho năm quy hoạch. Trên cơ sở đó, cân đối để xác định các chỉ tiêu trong phương án quy hoạch sử dụng đất. Phân tích chi phí - lợi ích (CBA) là một công cụ để tính toán và so sánh lợi ích và chi phí của một dự án/chính sách/quyết định. Đây là cơ sở mang tính định lượng để quyết định việc lựa chọn dự án/chính sách. Một trong những bất cập nổi cộm đối với công tác lập quy hoạch sử dụng đất là chất lượng phương án quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, chưa tính toán trên cơ sở định lượng về chi phí, hiệu quả, dựa trên nhu cầu thị trường của phương án quy hoạch sử dụng đất. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa áp dụng phương pháp/công cụ tính toán khoa học như công cụ CBA.
Phân tích chi phí - lợi ích (CBA), đôi khi được gọi là phân tích lợi ích - chi phí (BCA), là một quá trình có hệ thống để tính toán và so sánh lợi ích và chi phí của một dự án chính sách, hoặc quyết định chính phủ, CBA có hai mục đích:
+ Để xác định có nên ra quyết định đầu tư hay không (tính đúng đắn/ khả thi)
+ Cung cấp một cơ sở để so sánh dự án. Nó liên quan đến việc so sánh tổng chi phí dự kiến của từng lựa chọn so với tổng lợi ích dự kiến, để xem liệu những lợi ích có lớn hơn chi phí, và lớn hơn bao nhiêu
- Phạm vi nghiên cứu: Do giới hạn về thời gian và kinh phí, nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ trong năm 2017 được xác định nằm trong phạm vi nghiên cứu, đề xuất áp dụng công cụ phân tích chi phí - lợi ích (CBA) phục vụ quá trình xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất, góp phần đổi mới công tác quy hoạch sử dụng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu, phân tích tài liệu: Sử dụng phương pháp này chủ yếu phục vụ nội dung nghiên cứu về cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng áp dụng các công cụ kỹ thuật trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, từng người trong nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng thu thập và nghiên cứu các thông tin, dữ liệu như các văn bản pháp luật, các công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo trong và ngoài nước, số liệu thống kê có liên quan,...nhằm phục vụ cho quá trình hoàn thiện nhiệm vụ.
- Phương pháp kế thừa: Vận dụng phương pháp này nhằm rút ngắn thời gian, công sức nghiên cứu các vấn đề đã được tổng kết lý luận và thực tiễn. Nhờ đó nhóm thực hiện nhiệm vụ có thêm tư liệu hữu ích để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các chính sách mới.
- Phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích: Dựa trên các tài liệu, dữ liệu thu thập và điều tra khảo sát được, tiến hành phân loại, tổng hợp, phân tích vấn đề để xây dựng cơ sở khoa học và đưa ra các kết luận, giải pháp, đề xuất.
5. Kết quả đạt được
Sau quá trình nghiên cứu, nhiệm cụ TXTCN “Nghiên cứu, đề xuất định hướng đổi mới công tác quy hoạch sử dụng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam” đã được Hội đồng nghiệm thu. Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ đã đạt được mục tiêu nghiên cứu tính khả thi và đề xuất áp dụng công cụ tính toán về chi phí, lợi ích trong xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất. Trong bối cảnh Luật quy hoạch vừa được Quốc Hội khóa XIV thông qua, kết quả của nhiệm vụ sẽ là tư liệu nhằm giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình hoàn thiện phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp vùng theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
6. Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2017
7. Kết quả nghiệm thu: Đạt
8. Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường
9. Chủ nhiệm: TS. Trần Tú Cường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn