Ban hành Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến 2045

Thứ năm - 30/03/2023 06:50
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu. Đó là: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung; Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành; Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ; Đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ; đổi mới, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

* 5 quan điểm

Chiến lược đặt ra các nhiệm vụ dựa trên 5 quan điểm thống nhất. Đó là: Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế.

Việc phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Chiến lược đặt ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Việt Nam chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cung cấp dữ liệu mở và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Đồng thời Chính phủ khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo, thu hút tài năng trẻ, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đảm bảo phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp của Chiến lược này.

Bộ TN&MT chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất các đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình cụ thể, xác định những đề án, dự án, nhiệm vụ trọng điểm trong từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược này; định kỳ 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Chiến lược, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ quyết định điều chỉnh Chiến lược trong trường hợp cần thiết.

Đến năm 2045, Chiến lược đặt mục tiêu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại về đo đạc và bản đồ

* 2045: Làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại

Chiến lược đặt ra mục tiêu ở 2 giai đoạn: Từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đo đạc bao gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mô hình geoid để thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển.

Việc xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia cần đảm bảo mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

Tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây