Biến đổi khí hậu đe dọa Việt Nam

Thứ tư - 05/12/2007 05:00
Biến đổi khí hậu sẽ làm giá lương thực cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều... Các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội sẽ khó lòng đạt được.

Ông Micheal Parson
Ông Micheal Parson lo lắng: "Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu"

Biến đổi khí hậu sẽ làm giá lương thực cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều... Các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội sẽ khó lòng đạt được.

Nếu nhiệt độ trung bình tăng lên thêm 2oC đến 3oC so với mức hiện nay sẽ có thêm 600 triệu người ở tiểu khu vực châu Phi bị đói, hơn 300 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão lũ và có thêm 400 triệu người bị bệnh truyền nhiễm như sốt rét, viêm màng não, sốt xuất huyết. Nói cách khác, thất bại trong việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu sẽ có hậu quả nghiêm trọng đến con người và sẽ cản trở mọi nỗ lực giảm nghèo của chúng ta. Ông John Hendra, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, đã thẳng thắn nêu ra thực trạng trên tại hội thảo "Biến đổi khí hậu và phát triển con người" do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, Cục Bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược- Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp tổ chức, ngày 5-12 tại TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam đang nóng lên

Trái đất đang ấm dần lênÔng Nguyễn Thành Lam, Cục Bảo vệ môi trường, cho biết tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam mỗi năm khoảng 120,8 triệu tấn. Khí nhà kính của Việt Nam gồm bốn loại chủ yếu: CO2, CH4, NO2, NO và phát thải chủ yếu do các hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông. Trong đó, giao thông chiếm tới 85% khí CO; công nghiệp chiếm 95% khí NO2... Với đà phát triển như hiện nay, ông Lam cho rằng lượng phát thải khí nhà kính của nước ta sẽ còn tăng mạnh. Theo đó hiện tượng nóng lên của khí hậu sẽ đến sớm hơn cả dự báo.

Tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, số liệu đo đạc cho thấy nhiệt độ đang tăng lên: từ năm 1960 đến 2005 tăng khoảng 0,02oC; từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,033oC. Riêng tại TP Vũng Tàu, từ năm 1960 đến nay đã tăng lên 2oC. Điều đó không chỉ thể hiện sự ấm lên về nhiệt độ mà sẽ kéo theo nhiều thứ như nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai bão, lụt, hạn hán tăng nhanh... Theo đà tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, từ năm 1920 đến nay nhiệt độ tại Việt Nam cũng tăng lên từ 0,2oC đến 1oC nhưng tăng nhanh chủ yếu là từ năm 1980 đến nay.

Nhưng điều mà nhiều nhà khoa học thế giới như ông John Hendra nhận định là "Việt Nam chịu nhiều tác động khí hậu hơn so với lượng CO2 thải ra".

Thiên tai gia tăng

Lụt giữa thủ đô HNBiến đổi khí hậu tại Việt Nam ảnh hưởng lên đời sống của người dân ngày càng rõ ràng. Khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, tại Bến Tre, mực nước biển đã dâng lên khoảng 20 cm so với cách đây 10 năm, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. "Trước đây vùng này không hề có bão nhưng năm 2007 đã có bão...". Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm mặn đã tăng lên khoảng 20% so với trước đó 10 năm. Tại Thừa Thiên - Huế, thay đổi khí hậu còn đậm nét hơn, cường độ mưa tăng rõ rệt. Từ năm 1952 đến 2005 đã có 32 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và lũ lụt thường xuyên hơn nửa đầu thế kỷ trước. Không những thế, mực nước biển và đỉnh lũ lần sau luôn cao hơn lần trước. Chỉ riêng năm 1999, mực nước biển tháng 11 đã lên đến mức cao nhất so với trước đây.

"Thay đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua hiện tượng bão lụt xảy ra liên tiếp tại khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam những năm gần đây" - ông Christophe Bahuet, Phó đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, khẳng định.

Những cảnh báo đáng lo ngại

Hạn hánBáo cáo phát triển con người 2007/2008 của ông Christophe Bahuet cảnh báo rằng nếu nhiệt độ tăng lên từ 3oC-4oC, các quốc đảo nhỏ và các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi mực nước biển dâng lên khoảng 1 m, Việt Nam sẽ có khoảng 22 triệu người bị mất nhà cửa; vùng trũng Ai Cập có khoảng 6 triệu người mất nhà cửa và 4.500 km2 đất ngập lụt; ở Bangladesh có khoảng 18% diện tích đất ngập úng, tác động tới 11% dân số...

Tuy nhiên, ông Christophe Bahuet cũng cho rằng không chỉ những nước đang phát triển ảnh hưởng mà những nước đã phát triển cũng không tránh khỏi thảm họa biến đổi khí hậu. Trước mắt, băng tan sẽ đe dọa hơn 40% dân số toàn thế giới. Mặt khác, biến đổi khí hậu sẽ làm cho năng suất nông nghiệp giảm, thời tiết cực đoan tăng, thiếu nước ngọt trầm trọng trên toàn thế giới, hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật gia tăng... Những nước như Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập... sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nguy cơ bão lụt, thiên tai sẽ làm cho những nước này rất khó khăn để phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo.

Năm bước thụt lùi do biến đổi khí hậu

1. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa, nhiệt độ và nước dùng cho nông nghiệp. Đến năm 2080, thế giới sẽ có thêm 600 triệu người bị suy dinh dưỡng.

2. Đến năm 2080, sẽ có khoảng 1,8 tỉ người sống trong tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt là Bắc Trung Quốc, Trung Đông, Nam Mỹ và phía Bắc Nam Á.

3. Khoảng 330 triệu người sẽ mất chỗ ở tạm thời hoặc vĩnh viễn do lũ lụt nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 30C-40C.

4. Tốc độ tuyệt chủng của các loại sẽ tăng lên nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 20C.

5. Các căn bệnh chết người sẽ lan rộng. Có thể có thêm 400 triệu người bị bệnh sốt rét.

(Báo cáo phát triển con người 2007/2008)

Theo: Báo Nhân Dân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây