Cần có cơ chế tài chính đặc thù thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu
admin
2009-05-31T21:53:49-04:00
2009-05-31T21:53:49-04:00
https://isponre.gov.vn/vi/news/tin-tuc/can-co-co-che-tai-chinh-dac-thu-thuc-hien-de-an-bao-ve-moi-truong-luu-vuc-song-cau-61.html
/themes/isponre/images/no_image.gif
VIỆN CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
https://isponre.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 31/05/2009 21:39
Tại phiên họp thứ tư Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu tổ chức tại Bắc Ninh, ngày 28/5, các đại biểu quan tâm bàn thảo nhiều Danh mục dự án thuộc Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu giai đoạn 2010 – 2012, xác định dự án trọng tâm cần thực hiện ngay trong năm 2009, cơ chế tài chính đặc thù để triển khai đề án.
Các đại biểu Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Khoa học – Công nghệ lo ngại rằng nếu không giải quyết được các vấn đề trên, không có biện pháp cụ thể, không thực hiện được việc điều phối giữa các tỉnh, phân công trách nhiệm cho từng uỷ viên… thì phiên họp này và cả phiên họp thứ 5 cũng chỉ là giao lưu và tiếp tục “lập kỷ lục” về số văn bản giấy tờ ban hành, cuối năm sẽ không có kết quả cụ thể để báo cáo Thủ tướng. Bởi trên thực tế, đã qua 3 kỳ họp kể từ khi Uỷ ban được thành lập vào tháng 11/2007 nhưng chưa có kết quả đáng kể nào ngoài việc kiện toàn tổ chức, xây dựng kế hoạch hoạt động, lập danh mục dự án, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và khắc phục một phần ô nhiễm, suy thoái môi trường trong lưu vực.
Nhiều đại biểu cho biết: vốn đầu tư cho lĩnh vực môi trường còn ít (phấn đấu đạt chi tối thiểu 1% tổng chi ngân sách) và chưa được khoanh định thành một nguồn vốn riêng nên rất khó có thể xác định, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của những nỗ lực bảo vệ môi trường. Hiệu quả sử dụng vốn còn hạn chế, phân bổ dàn trải, quản lý và phân cấp vốn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế khuyến khích và huy động vốn từ các thành phần kinh tế và trong nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên khẳng định: Thông tư số 14/2009/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành chưa đề cập được cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy triển khai các đề án bảo vệ môi trường sông một cách đồng bộ, đảm bảo phù hợp cân đối giữa các nguồn ngân sách. Do vậy, cần có cơ chế tài chính riêng hoặc chương trình mục tiêu quốc gia riêng; cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ nguồn đầu tư cơ bản, các nguồn chi sự nghiệp, ODA; có chế tài đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp, cơ sở phát thải đóng góp kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Quỹ Môi trường và ngân sách nhà nước nên chi phí đối ứng ban đầu cho các địa phương vay thực hiện dự án, sau đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề và các hộ dân sẽ đóng góp để trả dần theo lộ trình thì dự án mới khả thi. Đồng quan điểm này, đại biểu tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang kiến nghị cần có khung tài chính cho sự nghiệp môi trường, đảo bảo hài hoà giữa các tỉnh; xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường; có chính sách “mồi” theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, giảm mức đóng góp của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xuống từ 20% - 25% để gỡ khó cho họ và tăng tính khả thi của dự án.
Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho rằng: việc xác định 5 nhóm với 18 dự án trong đề án tổng thể sông Cầu giai đoạn 2010 – 2012 là cần thiết và phù hợp. Song, cũng cần phân vùng để xác định nhiệm vụ của từng khu vực. Đối với khu vực thượng lưu, trước hết tập trung vào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, thực hiện các giải pháp canh tác chống xói mòn, xử lý nước và rác thải. Đối với khu vực hạ lưu, tập trung kiểm tra các chỉ số ô nhiễm, báo cáo hiện trạng để công bố rộng rãi đến người dân biết và có ý thức xử lý kịp thời ngay tại điểm ô nhiễm; đồng thời giải quyết triệt để ô nhiễm tại các làng nghề.
Lưu vực sông Cầu có diện tích 6.030 km2, chiếm khoảng 47% diện tích toàn vùng của 7 tỉnh, thành: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Hải Dương. Trong lưu vực hiện có khoảng 800 cơ sở sản xuất công nghiệp và 200 làng nghề, trong đó có 45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chất lượng nước mặt tại lưu vực đang bị ô nhiễm, đặc biệt các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, đáng báo động.
Chu Thanh Vân