Ngày 1/10, tại TP.HCM, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) tổ chức họp góp ý về dự thảo "Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải đến năm 2020".
100% đại biểu đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp về 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng, Recycling - Tái chế), nhằm đẩy mạnh chiến lược kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo đó, lấy phân loại và giảm thiểu chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, coi việc nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng là giải pháp then chốt.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng ban môi trường và phát triển bền vững (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên - môi trường) cho biết, hiện tổng lượng chất thải rắn của cả nước phát sinh trong năm 2007 khoảng 17 triệu tấn, dự báo đạt 50 triệu tấn vào năm 2020 (khoảng 1,3-1,5kg/người/ngày).
Theo ông Thắng, hiện mới chỉ có khoảng 15-20% lượng chất thải rắn được phân loại, số còn lại được chôn lấp. Trong đó, hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở các dự án thí điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Để khắc phục có hiệu quả tình trạng này, hiện một loại công nghệ mới (Công nghệ Seraphin) về xử lý chất thải rắn đang được nghiên cứu triển khai. Nếu việc áp dụng công nghệ này có hiệu quả có thể tái chế đến 90% chất thải rắn và chỉ cần chôn lấp 10% số còn lại.
Góp ý về dự thảo "Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải đến năm 2020" các đại biểu nhất trí đề nghị từ nay đến 2010 phải gấp rút hoàn thiện hệ thống chính sách về tái sản xuất, tái sử dụng chất thải thay vì hoàn thiện vào năm 2020 như đã nêu trong dự thảo. Hiện nay, do thiếu chính sách này mà nhiều địa phương cũng như các nhà đầu tư hết sức lúng túng trong triển khai các dự án về phân loại rác để tái chế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn