Cần thiết phải thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Thứ tư - 22/08/2007 03:45
Gần đây, một người dân ở phường 10, quận 6 TP. HCM quá bức xúc vì cơ sở sản xuất ở gần nhà mình thải bụi khói gây ô nhiễm nghiêm trọng, đến nỗi phải đóng gói chất bụi khói ô nhiễm bỏ vào bì thư gửi tới Văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP. HCM , khiến cho một cán bộ khi mở thư ngất xỉu tại chỗ. Vụ việc này cho thấy sự cấp bách và cần thiết phải sớm có những chế tài để hạn chế sự ô nhiễm khí thải do các cơ sở sản xuất, nhà máy công nghiệp gây ra...

Gần đây, một người dân ở phường 10, quận 6 TP. HCM quá bức xúc vì cơ sở sản xuất ở gần nhà mình thải bụi khói gây ô nhiễm nghiêm trọng, đến nỗi phải đóng gói chất bụi khói ô nhiễm bỏ vào bì thư gửi tới Văn phòng tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP. HCM , khiến cho một cán bộ khi mở thư ngất xỉu tại chỗ. Vụ việc này cho thấy sự cấp bách và cần thiết phải sớm có những chế tài để hạn chế sự ô nhiễm khí thải do các cơ sở sản xuất, nhà máy công nghiệp gây ra...

Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được tổ chức ở TP. HCM cuối tuần trước, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) đã cho biết: theo số liệu thống kê của Ngân hàng ADB, ước tính thiệt hại trực tiếp đến sức khỏe và gián tiếp tính bằng tiền do ô nhiễm không khí gây ra hàng năm ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 5%-20% GDP. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đối với sức khỏe ở một số thành phố châu Á trung bình mỗi năm 329 triệu USD (Manila), Thượng Hải (880 triệu USD), BangKok (424 triệu USD), Jakarta (100 triệu USD). Còn ở Thủ đô Hà Nội, theo ước tính mà ông Tài đưa ra là mỗi ngày thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Tại TP. HCM, theo báo cáo mới đây của Sở TN&MT, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực dân cư 7 tháng đầu năm 2007 có nhiều thay đổi xấu hơn so với cùng kỳ năm ngoái: Nồng độ Oâzôn tăng 1,12 lần. Các chất ô nhiễm chính trong không khí giao thông chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và PM10 tăng 1,07 lần. Các thông số chì tăng 1,25 lần và NO2 tăng 1,15 lần. Hiện nay TP. HCM có khoảng gần 300.000 ô tô và trên 2,56 triệu xe gắn máy các loại, đây cũng là một trong những nguồn phát khí thải ô nhiễm môi trường của thành phố. Đó là chưa kể đến rất nhiều khu công nghiệp với hàng chục ngàn cơ sở sản xuất ngày đêm phát nhiều khí độc hại ra môi trường. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. HCM (Sở TN&MT TP. HCM) cho biết, Nghị định nên nghiên cứu mở rộng thêm các đối tượng phát thải khí độc hại với khối lượng lớn như các lò luyện cán thép, đồng, xi măng; không nên chỉ gói gọn trong đối tượng sử dụng đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ở một địa phương khác cùng chung nỗi bức xúc về ô nhiễm khí thải giống TP. HCM, ông Hoàng Văn Thống, Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Nghị định nên đơn giản hóa một số quy trình công đoạn, nếu không địa phương sẽ rất khó triển khai thực hiện. Điển hình là việc ở các địa phương hiện nay đang thiếu trầm trọng các phòng thí nghiệm để xét nghiệm và đánh giá mức độ ô nhiễm. Cả tỉnh có tới trên 10.000 doanh nghiệp cần phải có sự đánh giá mức độ ô nhiễm ở nhiều lĩnh vực khá phức tạp như : nước thải, rác thải và khí thải. Riêng về thu phí nước thải, còn tới 500 doanh nghiệp nữa mà Sở TN&MT chưa thể triển khai được. Nghị định cần nâng mức phạt lên cao thêm nữa để hạn chế việc sử dụng các nguyên liệu thô sơ như than đá, gỗ tạp. Đồng Nai hiện có trên 2.000 doanh nghiệp sử dụng lò đốt bằng than, củi; trong đó 2/3 là doanh nghiệp vừa và nhỏ có lò đốt dưới 5 tấn hơi/giờ.

Việt Hoàng - Nguyễn Thanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây