Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài trên toàn cầu, đe dọa không chỉ sự phát triển bền vững của xã hội mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế và an ninh của con người. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những tác động nặng nề của khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường, tại Hội nghị COP29 với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh”, các nguyên thủ quốc gia, các học giả và tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đạt được những cam kết quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Là một bên tham gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, để thực hiện cam kết này, Việt Nam chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đạt nhiều kết quả quan trọng sau nhiều năm triển khai. Trong những năm qua, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam đã sớm nhận được sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước. Phát triển KTTH đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên để thực hiện mục tiêu chung nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Luật BVMT năm 2020 với những quy định pháp lý hóa việc thúc đẩy thực hiện KTTH đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, KTTH đã được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhấn mạnh, hiện thực hóa Kế hoạch HĐQG thực hiện KTTH sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực KTTH. Thực hiện KTTH là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực, cung cấp nền tảng thông tin, dữ liệu về KTTH cho các doanh nghiệp trong nước..., tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình KTTH. Các tổ chức và cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện KTTH. Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, nhằm hình thành một chuỗi giá trị tuần hoàn hơn. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần hiện thực hóa KTTH ở Việt Nam, tạo nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới.
Tại các phiên thảo luận, các tham luận và ý kiến phát biểu đã cho thấy chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại và được nhiều quốc gia trên thế giới đồng thuận. Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất.
Diễn đàn đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về kinh tế tuần hoàn trong pháp luật bảo vệ môi trường. Qua đó, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là phù hợp với yêu cầu đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Diễn đàn đã đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực tiễn xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đã được triển khai trong thực tế như tiến hành thực hiện cộng sinh công nghiệp, tái chế phụ phẩm của ngành dệt may, tuần hoàn chất thải hữu cơ trong nông nghiệp, thiết kế tuần hoàn cho bao bì nhựa, tái chế chất thải, v.v. Các cơ chế hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn như tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân hàng thương mại, triển khai các sáng kiến khởi nghiệp về kinh tế tuần hoàn cũng đã được chia sẻ tại Diễn đàn.
Ngoài ra, Diễn đàn cũng tiếp thu ý kiến về việc tích cực tham gia của các ngành sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp vào chuyển đổi cấu trúc quản lý, điều hành; đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, phương thức sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của đất nước. Đồng thời, Diễn đàn cũng tiếp thu ý kiến về việc tập trung huy động các nguồn lực (tài chính, công nghệ và nhân lực) từ các tổ chức quốc tế và tư nhân để thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn; ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi... Diễn đàn đã khẳng định việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến khâu thải bỏ; trong các kế hoạch áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò động lực trung tâm của doanh nghiệp và vai trò tham gia thực hiện của các tổ chức và từng người dân.
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Kế hoạch đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2035 là: “Hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.”
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuấn hoàn đã lựa chọn 08 nhóm ngành, lĩnh vực để thực hiện kinh tế tuần hoàn, gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; năng lượng; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất; xây dựng; giao thông vận tải; quản lý chất thải. Trong đó, ưu tiên thực hiện trước đối với quản lý chất thải và các ngành, lĩnh vực có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao và việc làm mới; phát sinh nhiều chất thải, có tác động lớn đến môi trường, phát thải khí nhà kính lớn; khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên, nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; bị ràng buộc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động thương mại, đầu tư và quan hệ quốc tế. Đặc biệt, dự thảo Kế hoạch khuyến khích các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn so với lộ trình theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Để thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, dự thảo đề xuất 38 nhiệm vụ thực hiện đến năm 2035, tập trung vào: nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chính sách, pháp luật để thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng thực hiện kinh tế tuần hoàn; quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn; liên kết, hợp tác, kiểm tra, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Phát triển KTTH đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến KTTH, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, ứng dụng triển khai các mô hình KTTH và tiến hành công tác truyền thông về KTTH trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động.
Với mong muốn đưa KTTH có thể đi vào thực tiễn, Diễn đàn diễn ra với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các Viện, trường, các chuyên gia, nhà quản lý chính là cơ hội tốt giúp Bộ TN&MT trao đổi và chia sẻ với các bên liên quan để kết nối và thúc đẩy triển khai KTTH tại Việt Nam, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến KTTH, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành và tài trợ của các đơn vị: SCG, Mạng lưới doanh nghiệp Thái Lan, Nestle, Unilever, Ngân hàng VietinBank, UNDP, UNIDO, HSF, WWF...
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Trung tâm TVĐT&DVTNMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn