TS. Nguyễn Văn Tài – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ TN&MT), thành viên Nhóm Soạn thảo Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) đã khẳng định điều này với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường chiều 26/3, nhân “vụ 37 con hổ” ở tỉnh Bình Dương vẫn chưa hết “nóng” trong công luận. Luật ĐDSH do Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) soạn thảo dự kiến sẽ trình kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XII tới đây. Tại sao “vụ 37 con hổ” ở Bình Dương lại làm “nóng” đến như vậy? TS. Nguyễn Văn Tài (ảnh) nói:
Sở dĩ có những cuộc tranh luận chuyện ông Tân nhận nuôi 37 con hổ tại Bình Dương, theo tôi vì các quy định về bảo vệ các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng của chúng ta chưa rõ, chưa đầy đủ. Khi Luật ĐDSH ra đời và có hiệu lực, hy vọng tình hình sẽ không như vậy.
PV: Là thành viên nhóm soạn thảo Luật ĐDSH, theo ông nên giải quyết những con hổ đang bị nuôi nhốt như tại gia đình ông Tân theo hướng nào là hợp tình, hợp lý?
TS. Nguyễn Văn Tài: Trong giai đoạn hiện nay, phải coi hổ là loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng ở mức rất cao, thậm chí ở mức đặc biệt nguy cấp. Quan điểm của Nhóm soạn thảo Luật, trong đó có tôi và cũng được rất nhiều chuyên gia ủng hộ, là đối với những loài thuộc danh mục cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt cần phải cấm mọi trường hợp nuôi lai tạo vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, cần khuyến khích việc nuôi lai tạo và phát triển vì mục đích bảo tồn. Việc nuôi bảo tồn cũng phải tuân thủ quy định pháp luật. Đó là Nhà nước đầu tư để phát triển những cơ sở nuôi, phát triển. Nếu nước ta chưa có những nơi nuôi dưỡng tốt, chất lượng cao thì khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có điều kiện thực hiện việc nuôi và phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, việc nuôi và phát triển phải vì mục đích bảo tồn.
PV: Vậy cần quản lý các tổ chức và cá nhân nuôi nhốt các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Tài: Dự thảo Luật sẽ đưa ra những quy định để quản lý những cơ sở, tổ chức đang nuôi, nhốt các loài động vật quý hiếm. Buộc chủ cơ sở phải thực hiện đúng mục tiêu nuôi với mục đích bảo tồn. Tôi cho rằng việc lai tạo, nuôi phát triển của tổ chức, cá nhân nhất thiết phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ các loài thuộc danh mục cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngoài giấy phép cấp cho tổ chức, cá nhân nuôi thì các tổ chức, cá nhân này phải khai báo rõ về nguồn gốc của loài động vật định nuôi.
Ngoài ra, để kiểm soát được các cơ sở lai tạo, nuôi phát triển đúng với mục đích bảo tồn, chúng ta phải kiểm soát đầu ra. Tôi nghĩ đó là những biện pháp có thể giúp chúng ta kiểm soát được tình trạng nuôi nhốt động vật quý hiếm hiện nay.
PV: Thưa ông, Dự thảo Luật ĐDSH được tổ chức soạn thảo từ bao giờ và tới đây có lấy ý kiến rộng rãi ?
TS. Nguyễn Văn Tài: Trong 2 năm qua, nhóm soạn thảo chúng tôi đã cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế soạn thảo các Chương, Điều của Luật, căn cứ dựa trên những kinh nghiệm quốc tế. Hiện Luật đang trong quá trình tổng hợp thành Dự thảo thống nhất. Dự kiến đầu tháng 4 tới, Dự thảo Luật này sẽ được công bố lấy ý kiến rộng rãi. Theo đúng kế hoạch, Dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp cuối năm nay.
PV: Hiện nay trên cả nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa vẫn khá phổ biến tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng phát hiện được thì đã quá muộn. Ông có thể đưa ra giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng này?
TS. Nguyễn Văn Tài: Tôi nghĩ ngoài việc soạn thảo những quy định trong Nghị định 82 và điều Luật trong Luật ĐDSH, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết bảo vệ những loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Nhà nước cũng cần đầu tư những chương trình Quốc gia nhằm phát triển, nâng cấp những trại lai tạo, nhân giống, cứu hộ các loài này. Rất cần có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với việc tiêu thụ những loài động vật trong danh mục cần phải bảo vệ, có chế tài mang tính răn đe.
Giải pháp cơ bản nhất hiện nay theo tôi là bảo vệ thậm chí phát triển nhiều hơn nữa địa bàn sinh sống, cư trú, sinh sản của các loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Thực tế ở nước ta, nơi cư trú, sinh sống của các loài đang bị suy giảm, dẫn đến những tình trạng đáng báo động như chuyện voi giày chết người ở Tánh Linh. Trong việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm, nguy cơ lớn nhất hiện nay là tình trạng chúng đang mất dần nơi cư trú.
PV: Xin cảm ơn ông.
Thanh Xuân (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn