Hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt tới 7 năm tù

Chủ nhật - 12/10/2008 14:05
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua dường như đang rơi vào bế tắc, mà Vedan là một trường hợp điển hình, đang khiến cho nhiều người phải lo lắng về tính răn đe của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước nỗi lo đang cận kề này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tài - Viện trưởngViệc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua dường như đang rơi vào bế tắc, mà Vedan là một trường hợp điển hình, đang khiến cho nhiều người phải lo lắng về tính răn đe của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước nỗi lo đang cận kề này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường. 

Ông Tài cho biết: Tôi có được tham gia vào Ban sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự vừa rồi và hiện đã trình ra Quốc hội, sắp tới sẽ thông qua. Theo đó, sửa điều quy định về tội gây hại đến môi trường, làm ô nhiễm nguy hại môi trường đã tiếp cận theo hai cách là hành vi gây ô nhiễm và hậu quả. Nếu bộ luật được thông qua thì hành vi xả thải vượt quá tiêu chuẩn môi trường mà gọi là quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì bị truy tố. Như vậy, việc truy tố những trường hợp như Vedan là đương nhiên. Bên cạnh đó là xử hậu quả, tức là khi anh xả ra môi trường rồi, không cần biết anh xả lúc nào, tối hay sáng, nhưng người ta chứng minh được rằng hậu quả để lại làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người ta cũng truy tố anh. Với cách sửa đổi Bộ luật Hình sự như thế thì thật sự là không hề khó khăn để truy tố một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

ĐS&PL: Như vậy, những hành vi phá hoại môi trường nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Theo dự thảo Bộ luật Hình sự mới, hành vi xả thải vượt quá tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia về chất thải ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trở lên thì bị truy tố trách nhiệm hình sự. Ví dụ như trong vụ Vedan, mình đã chứng minh được là gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng mấy trăm lần rồi thì còn có thể dùng tình tiết tăng nặng nữa. Theo Luật Bảo vệ môi trường có quy định về 3 mức độ: môi trường bị ô nhiễm, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cũng được quy định rõ ràng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự. Bộ TN &MT cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ  môi trường về việc một cơ sở xả thải vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải bao nhiêu lần thì gọi là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao nhiêu lần là đặc biệt nghiêm trọng.

ĐS&PL: Khung hình phạt tối đa đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự quy định nặng nhất là 7 năm tù. Như Vedan thì có thể áp được khung nặng nhất. Theo tôi đó là một khung hình phạt mang đủ tính răn đe.

ĐS&PL: Khi một doanh nghiệp bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì chúng ta sẽ truy tố ai? Người đứng đầu tổ chức, hay điều hành hệ thống xử lý thải?

Ông Nguyễn Văn Tài: Đây rõ ràng là điều khó khăn nhất. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc chắn phải truy cứu người đứng đầu, nhưng sẽ không bỏ qua anh trực tiếp vận hành thì như thế mới có thể giải quyết được vấn đề. Có 3 vấn đề như sau: thứ nhất là vấn đề kiểm tra: thường là việc của cơ quan quản lý thuần tuý để họ kiểm tra, phát hiện giúp đánh động đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc hướng dẫn doanh nghiệp cách làm để cho tốt hơn. Thứ hai là vấn đề thanh tra: đây là nhiệm vụ của thanh tra Bộ và Sở TN &MT. Khi đến thanh tra, nếu phát hiện có vi phạm thì tiến hành xử phạt hành chính. Thứ ba là vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm, đây là nhiệm vụ của cảnh sát môi trường và họ chỉ tham gia khi hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự với các hoạt động như điều tra, thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ, tiến hành khởi tố vụ án . Và theo tôi nên có sự kết hợp giữa ba cơ quan này nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho nhau.

ĐS&PL: Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng ta còn có những biện pháp gì đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Theo tôi đó là vấn đề  bồi thường thiệt hại. Nếu chúng ta làm tốt thì đó là thuận lợi cho cả nhà nước và răn đe đối với doanh nghiệp. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có cả xử phạt hành chính, thứ hai là sử dụng công cụ kinh tế về thu phí kết hợp với việc bồi thường thiệt hại và thứ ba là sử dụng chế tài hình sự, thậm chí mình có thể dùng đến áp lực cộng đồng, xã hội, người tiêu dùng để tẩy chay sản phẩm những đối tượng này. Mong muốn của Chính phủ và Bộ TN &MT là cảnh tỉnh đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong phạm vi cho phép của luật. Như vậy chúng ta vẫn cho các doanh nghiệp cơ hội và thời gian để khắc phục và sửa sai.

ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!

Theo: Báo Đời sống và Pháp luật

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây