Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

Thứ ba - 28/06/2022 05:57
Ngày 28/06/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo của Bộ TN&MT, lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo Ban, ngành, địa phương, trưởng đại diện các đối tác phát triển, đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính hết sức quan tâm đối với Hội nghị này; tuy nhiên vì lý do công tác đặc biệt không thể tham dự. Thủ tướng gửi tới Hội nghị thông điệp về tinh thần đoàn kết, chung tay sẻ chia và cùng hành động trong giảm phát thải khí carbon hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch Covid-19; nhấn mạnh cơ chế hợp tác giữa các quốc gia cũng như với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh mô hình KTTH, nhất là trong chia sẻ kiến thức, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ…Thủ tướng đặt ra yêu cầu về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KTTH, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ TN&MT mong muốn thông qua hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH của Việt Nam và sớm có mô hình thành công về phát triển KTTH ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, công đồng dân cư, để kinh tế tuần hoàn đóng góp vào mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.

          Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoàng kép đối với nhân loại hiện nay. Trong tháng 05/2022, Tổ chức Khí tượng thế giới vừa công bố 04 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, cho thấy hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái. Liên hợp quốc cũng cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biển đổi. Tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước. Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên trong hơn 150 năm qua của nhân loại. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng KTTH chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH.

IMG 7073

Phát triển KTTH là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. KTTH giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính truyền thống sang KTTH bước đầy sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy KTTH , các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực cũng như công nghệ tái chế, tái sử dụng và những khó khăn liên quan đến nguồn lực, nhân lực hạn chế.

Toàn cảnh Hội nghị

KTTH hiện đang trở thành xu hướng phát triển chung trên toàn cầu và được coi là một trong những trọng tâm được ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào ngày 17 tháng 11 năm 2020 đề cập cụ thể đến nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn (Điều 142). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

          Đặc biệt, Bộ trưởng tin rằng, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo góp phần thúc đẩy sớm quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH.

          Với ý nghĩa đó, Bộ TN&MT phối hợp với Mạng lưới doanh nghiệp Thái Lan và một số đối tác quốc tế tổ chức Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành đọng quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu: (i) Chia sẻ mô hình KTTH đã thành công trên thế giới, trong khu vực và xác định các mô hình phù họp có thể áp dụng tại Việt Nam; (ii) Xác định cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình KTTH hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không; (iii) Vận động sự tham gia, hợp tác của các bên, đặc biệt từ khối tư nhân nhằm thúc đẩy phát triển KTTH tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình KTTH đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Hội nghị là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình KTTH, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam, là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

          "KTTH là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai. Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan, sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền KTTH, phù hợp với nhu cầu, lịch sử và tham vọng của người dân Việt Nam. Do vậy, chúng tôi vui mừng đồng hành cùng với Bộ tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển ra mắt Mạng lưới KTTH Việt Nam.", bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

          Cũng tại Hội nghị, Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG chia sẻ “KTTH đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ TN&MT cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải các-bon ròng bằng không trong tương lai..”

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG phát biểu tại Hội nghị

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ TN&MT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc sẽ giới thiệu Mạng lưới KTTH Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy KTTH tại Việt Nam. 

Lễ công bố mạng lưới KTTH Việt Nam

Ngoài phiên khai mạc toàn thể, các phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị sẽ làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến vai trò kiến tạo thể chế, chính sách của nhà nước; việc lồng ghép KTTH vào các chiến lược thiết kế, chế tạo và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; việc huy động đầu tư cho các giải pháp KTTH và việc KTTH thành một nội dung trong chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế. Hội nghị đã thu hút sự góp mặt của gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình KTTH được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị
Phiên thảo luận của Hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội nghị

 

         An Bình – Ngọc Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây