Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/ bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra “ô nhiễm trắng” đối với môi trường toàn cầu.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, nhiều văn bản pháp lý của nhà nước đã được ban hành, có thể kể đến như: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;...Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 (i) sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; và (ii) giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Hội thảo là một trong các hoạt động bên lề của Triển lãm truyền thông “Sông kể chuyện nhựa” với mục đích nhằm chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến của EU về các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, từ đó tìm kiếm các giải pháp thay thế cho túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thảo luận về các lựa chọn chính sách thúc đẩy sự phát triển các giải pháp thay thế cho túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngọc Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn