Hội thảo khởi động xây dựng văn kiện dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực”

Thứ ba - 11/10/2022 06:52
Ngày 11/10/2022, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng văn kiện dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực”. PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng đã chủ trì Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của các đại diện các cơ quan, tổ chức và chuyên gia quan tâm đến Dự án.

Thời gian qua cùng với sự tăng trưởng kinh tế, sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, phá hủy các hệ sinh thái quan trọng ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sinh kế phụ thuộc vào vốn tự nhiên. Do đó, nâng cao chất lượng vốn tự nhiên là một trong các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển xanh với hơn 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với hơn 20 kiểu hê sinh thái đặc trưng và là nơi sinh sống của khoảng 11.000 sinh vật biển. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018); theo đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm (Nghị quyết số 26/NQ-CP tháng 3 năm 2020) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 647/QĐ-TTg tháng 5 năm 2020). Việc áp dụng đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Hạch toán tài nguyên biển là nhiệm vụ cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Các hợp phần chính của Dự án bao gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống thể chế, số liệu và giám sát cấp trung ương để áp dụng hạch toán vốn tự nhiên (NCA) hướng tới kinh tế biển xanh bền vững tại Việt Nam; (2) Lồng ghép hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào quá trình lập quy hoạch/kế hoạch tại Quảng Ninh; (3) Quản lý tri thức và truyền thông nhân rộng ở cấp quốc gia.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã giới thiệu tổng quan về quy trình xây dựng văn kiện dự án với các nội dung liên quan đến: các thông tin cơ bản về mục tiêu và kết quả dự kiến; các yêu cầu và quy trình thực hiện dự án GEF; kế hoạch xây dựng văn kiện và các mốc thời gian; sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng văn kiện dự án. Các đại biểu đã lắng nghe và đóng góp ý kiến để nhóm thực hiện tiếp tục hoàn thiện nội dung để đạt được mục tiêu của Dự án.

Theo đó, Dự án đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phê duyệt với thời gian triển khai từ năm 2023 đến năm 2025. Dự án được thực hiện nhằm lồng ghép giá trị vốn tự nhiên và bảo vệ hệ sinh thải biển và ven biển trong kế hoạch phát triển và tăng cường quản lý sinh cảnh để hỗ trợ chính sách về phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam.  

Ngọc Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây