Hội thảo Khuyến nghị chính sách pháp luật đất đai để thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam

Thứ ba - 16/11/2021 10:31
Trong khuôn khổ thực hiện nghiên cứu “Khuyến nghị chính sách và sửa đổi Luật Đất đai 2013 để thực hiện quyền bề mặt được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015” và góp phần phục vụ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, ngày 16/11/2021, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo “Khuyến nghị chính sách pháp luật đất đai để thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam”. Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ đã chủ trì Hội thảo.
Hội thảo Khuyến nghị chính sách pháp luật đất đai để thực hiện quyền bề mặt ở Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết, quyền bề mặt là quyền quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Đất đai 2013, dự kiến có những quy định để chế định quyền bề mặt. Hiện nay quy định của Luật Đất đai chủ yếu tập trung vào bề mặt trên mặt đất, chưa chú ý tới không gian ngầm, không gian trên mặt đất. Trong thời gian tới sẽ phát sinh các quyền mới liên quan đến quyền phát triển bất động sản. Các doanh nghiệp phát triển các công trình về hạ tầng và tòa nhà cao tầng có thể mua quyền không phát triển của các diện tích đất nông nghiệp hoặc đất rừng, đất công viên lân cận để đảm bảo mật độ xây dựng không quá 30%. Đó là những giao dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại Hội thảo
Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội thảo

Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích ngày càng gia tăng trong khi quỹ đất đai là cố định đòi hỏi việc khai thác đất đai không chỉ dừng lại ở trên mặt đất mà cần mở rộng ra các khoảng không gian trên mặt đất cũng như dưới lòng đất. Mặc dù chế định về quyền bề mặt đã được pháp luật Việt Nam công nhận được tại Bộ luật Dân sự 2015 nhưng cho đến nay số lượng các nghiên cứu trong nước, đặc biệt là chưa có công trình nào vê thực hiện nội dung quyền bề mặt trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, Hội thảo được tổ chức để thu thập ý kiến sâu rộng của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu chính sách nhằm phân tích các biểu hiện, nội hàm của quyền bề mặt được phản ánh trong quy định pháp luật đất đai và đề xuất chính sách và thủ tục xác lập quyền bề mặt trong pháp luật đất đai.

Cũng tại Hội thảo, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai 2013 của Việt Nam đã cụ thể hóa tầm nhìn cũng như các quan điểm của Hiến pháp năm 2013 về quyền sử dụng đất đai, đặt ra các quy định chắc chắn cho công tác quản lý việc sử dụng đất đai tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cần phải được cập nhật, điều chỉnh theo những thay đổi, biến động về kinh tế, môi trường.

Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Minh Oanh – Đại học Luật Hà Nội, ra đời từ thời kì La Mã, chế định quyền bề mặt được duy trì, hoàn thiện theo thời gian, được kế thừa và ghi nhận vào pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới bởi ý nghĩa quan trọng của nó trong việc điều chỉnh quan hệ của chủ thể có quyền đối với bề mặt đất, mặt nước đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác. Cùng với sự tiến bộ trong lịch sử lập pháp, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 đã lần đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền bề mặt với tư cách là một quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, các văn bản chuyên ngành có các nội dung về quyền bề mặt chưa phù hợp. Chính vì vậy, thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai cần có những đề xuất định hướng chính sách thực hiện quyền bề mặt trong pháp luật đất đai.

IMG 3209 (2)

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày và thảo luận một số vấn đề về quyền bề mặt trong pháp luật đất đai như: Những  thách thức, khó khăn và hướng tháo gỡ để thực hiện chế định quyền bề mặt ở Việt Nam hiện nay; Quy định về quyền bề mặt trong nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp; Đề xuất thủ tục xác lập, công nhận quyền bề mặt cho các chủ thể trong pháp luật đất đai. Các đại biểu tham dự đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai về quyền bề mặt tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Ngọc Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây