Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Theo Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Thế Toản – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về KTTH cũng như áp dụng mô hình KTTH vào thực tiễn. Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về KTTH từ những năm 1999, cập nhật lần thứ 2 vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn – vật chất an toàn vào năm 2000 và phát triển các kế hoạch để thiết lập xã hội tuần hoàn – vật chất an toàn. Các kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản là cơ sở quan trọng hỗ trợ Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách có liên quan đến KTTH tại Việt Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu JICA, ông Tomoyuki Hosono – Trưởng dự án trình bày, mục đích của việt khảo sát về KTTH tại Việt Nam nhằm (1) thu thập các thông tin cơ bản về KTTH tại Việt Nam và Nhật Bản; (2) phân tích cấu trúc cơ sở pháp lý về KTTH tại Việt Nam; nghiên cứu tầm nhìn KTTH của Nhật Bản và các kế hoạch cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn – vật chất an toàn; (3) Xây dựng đề xuất về cấu trúc Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam, dựa trên các kinh nghiệm và bài học từ Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Nhật Bản đã có ý tưởng về hệ thống KTTH để giải quyết những vấn đề về môi trường. Từ nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại, Nhật Bản xác định chuyển đổi từ hệ thống kinh tế sản xuất hàng loạt, tiêu thụ hàng loạt và thải bỏ hàng loạt sang hình thành hệ thống KTTH. Tập trung vào các lĩnh vực: Vật chứa và bao bì; pin và đồ gia dụng; vật liệu xây dựng; ô tô và xe đạp. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên và hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (thiết lâp hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp). Trước tầm nhìn như vậy, đến năm 2020, Nhật Bản đã có những bước tiến hơn trên con đường chuyển đổi sang nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn bằng việc thúc đẩy sự tự nguyện của các công ty không chỉ bằng các đạo luật mà còn bằng cách cung cấp các khoản đầu tư, cho vay, trợ cấp,...
Nhật Bản đã tái thiết kế các giải pháp tái chế và chất thải của Nhật Bản hướng tới việc thiết lập hệ thống “KTTH”. Đặc biệt, Đạo luật về tái chế nhựa đã được lên kế hoạch ban hành và các hoạt động đối tác công tư đã bắt đầu.
Cũng tại Hội thảo, ông Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 31/12/2023. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng chất thải. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Về phía người dân, áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
“Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam thông qua thúc đẩy mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn”, ông Adachi Ichiro, chuyên gia Quản lý Môi trường của JICA tại Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu. Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách KTTH, ông nhấn mạnh: Để phát triển chiến lược tuần hoàn tài nguyên cho ngành nhựa, Việt Nam cần giảm việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; có hệ thống tái chế bền vững, thúc đẩy nhựa sinh học; ngăn chặn rác thải nhựa trong môi trường; thúc đẩy đổi mới và đầu tư theo hướng các giải pháp tuần hoàn.
Từ con đường mà Nhật Bản đã và đang thực hiện, dự án đã hỗ trợ phía Việt Nam nói chung và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nói riêng phát triển khung kế hoạch hành động quốc gia về KTTH, từ đó, tăng cường hợp tác giữa JICA và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm triển khai các mô hình KTTH tại Việt Nam.
Hội thảo là dịp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thực hiện KTTH giữa Việt Nam và Nhật Bản và một số nước trên thế giới. Các đại biểu đến từ tất cả các bên liên quan đã lắng nghe các báo cáo, qua đó có sự trao đổi, thảo luận, góp ý nhằm thúc đẩy triển khai KTTH.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ngọc Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn