Hội thảo Kinh nghiệm trong quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Thứ tư - 15/12/2021 05:30
Trong khuôn khổ thực hiện triển khai chủ trương của Đảng và quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn (KTTH) đối với giảm thiểu chất thải rắn (CTR), hưởng ứng Tuần lễ Môi trường Việt Nam – Nhật Bản 2021, ngày 15/12/2021, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức JICA Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm trong quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE, ông Naomichi Murooka – Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Hội thảo Kinh nghiệm trong quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE cho biết, căn cứ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khắng định “khuyết khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Thực hiện nhiệm vụ về việc xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó có nội dung quy định tiêu chí lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH, cùng với đó là Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH trong đó, Bộ TN&MT giao Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì các nội dung về KTTH. Hội thảo lần này được tổ chức sẽ góp phần mang đến nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm quý về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

 PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường”. Đây là cách tiếp cận thay thế cho kinh tế tuyến tính, đã được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Xử lý chất thải ở Việt Nam là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là CTR, chôn lấp CTR sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác. Theo Báo cáo “Tổng quan nội dung KTTH theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật BVMT” của Việt Nam do TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế TN&MT ISPONRE trình bày cho thấy, chất thải rắn đô thị của Việt Nam năm 2018 phát sinh ước khoảng 28 triệu tấn và dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73%) trong đó, thành phần chất thải chính là các nguyên liệu hữu cơ (chất thải thực phẩm, quần áo, giấy, báo,...) và chất thải vô cơ (nhựa, cao su, kim loại). Phần lớn chất thải của Việt Nam đang xử lý bằng hình thức chôn lấp (số liệu của WB năm 2018).  Do đó, bài toán đặt ra để giải quyết việc xử lý rác thải để chất thải không còn gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội. Mục tiêu hướng đến là CTR trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế. Qua quá trình thực tiễn ở các nước trên thế giới và Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình KTTH thay cho mô hình kinh tế tuyến tính đối với giải quyết vấn đề chất thải.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia môi trường Nhật Bản đã trình bày các báo cáo như: Tổng quan “Luật Cơ bản để thành lập Xã hội Tuần hoàn dựa vào Tái chế” (ông Takashi Togi, Bộ Môi trường Nhật Bản); Tổng quan “Tầm nhìn Kinh tế Tuần hoàn” năm 1999 và 2020 tại Nhật Bản (ông Haneda, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản);...

Hội thảo là dịp trao đổi thông tin giữa các nhà quản lý, nghiên cứu đầu ngành về CTR và KTTH của Nhật Bản và Việt Nam nhằm hoàn thiện các chính sách của Việt Nam, thúc đẩy quản lý CTR hiệu quả theo mô hình KTTH.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

Ngọc Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây