Việt Nam là một quốc gia ven biển, có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Theo thống kê, các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%. Hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển chưa thực sự gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi tại các vùng biển và ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…Nuôi trồng thủy sản khi không được quản lý tốt có thể tạo ra các tác động tiêu cực đến môi trường như: Ô nhiễm hữu cơ, xâm nhập mặn, hay đánh bắt bằng các ngư cụ kém chọn lọc sẽ dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản, suy giảm chất lượng các hệ sinh thái và môi trường biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018); Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm (Nghị quyết số 26/NQ-CP tháng 3 năm 2020) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 647/QĐ-TTg tháng 5 năm 2020). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng định hướng phát triển kinh tế biển với một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, có thể kể đến như: Kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới; triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển.
Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì Đề án xây dựng mô hình kinh tế xanh lam hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển. Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu giới thiệu về khái niệm kinh tế biển xanh bền vững, và giới thiệu cho các Bộ/ngành, các địa phương có biển, các chuyên gia và đại diện các tổ chức quốc tế về các phương pháp tiếp cận, nguồn tài chính, công cụ truyền thông hỗ trợ triển khai kinh tế biển xanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các sáng kiến, các bên liên quan để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển tại Việt Nam trong thời gian tới.
An Bình – Ngọc Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn