Phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý. Đồng thời, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Tỉnh Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ công cộng, du lịch, thương mại…đã phát sinh một lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng, đa dạng về số lượng và chủng loại. Mặc dù, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý vẫn còn có các hạn chế nhất định, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang rất được quan tâm, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Một số mô hình quản lý chất thải rắn hướng tới kinh tế tuần hoàn đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua; là điển hình cho các địa phương trong cả nước nghiên cứu, tham khảo, và nhân rộng.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan về các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Kết quả buổi Hội thảo sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện chính sách, các cơ chế khuyến khích, các quan hệ đối tác/sáng kiến nhiều bên, các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Trung tâm TVĐT&DV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn