Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta. Do đó, Đảng và Nhà nước đã có những hành động mạnh mẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Quyết định 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam ngày 22/7/2021; Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những quy định cụ thể liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa và phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất...
Trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP), WWF Việt Nam đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022. Báo cáo nhằm làm rõ thực trạng sản xuất nhựa, tình hình phát sinh, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên toàn quốc, đánh giá hiệu quả triển khai công tác quản lý chất thải nhựa trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa. Sắp tới, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cùng tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 sẽ là tài liệu quan trọng cung cấp thông tin đầu vào cho việc xây dựng các kịch bản đàm phán tham gia Thỏa thuận toàn cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn đến từ Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN đã giới thiệu quy trình và phương pháp ước tính các thành phần chất thải nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Nhóm đã tiến hành khảo sát thực địa 3 địa phương là Thái Bình, Phú Thọ và Hà Nội, cùng với kế thừa số liệu, kết quả của các dự án, nghiên cứu trước đó, đã ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 12%. Kết quả tính toán cho thấy năm 2021, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh là 3 triệu tấn, trong đó 1,7 triệu tấn ở khu vực đô thị và 1,3 triệu tấn ở khu vực nông thôn; lượng chất thải nhựa thất thoát vào môi trường là khoảng 0,51 triệu tấn, riêng thất thoát vào môi trường nước khoảng 0,08 triệu tấn. Để giải quyết các khó khăn, thách thức về ô nhiễm nhựa, nhóm chuyên gia tư vấn đề xuất cần hoàn thiện cơ chế chính sách để giảm thiểu chất thải nhựa, đó là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, phân phối, sử dụng, thu gom, tái chế chất thải nhựa; tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế…
Đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế liên quan đến nhựa và các chuyên gia có mặt tại Hội thảo đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Ông Phạm Mạnh Hoài, Quản lý Hợp phần Đối tác và Chính sách nhựa, WWF - Việt Nam cho biết, các ý kiến sẽ được tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chất thải nhựa năm 2022.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn