Hội thảo tham vấn Nghiên cứu về giao thông không carbon tại Hành lang kinh tế Đông Tây

Thứ ba - 01/03/2011 16:53
Sáng ngày 02 tháng 3 năm 2011, tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, ISPONRE phối hợp với EOC/ADB tổ chức Hội thảo tham vấn Nghiên cứu về giao thông không carbon (CNTC) tại Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). TS. Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng chủ trì hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm tham vấn về dự thảo đề cương để xây dựng một hiểu biết chung về cách tiếp cận Hàng lang giao thông không carbon; thảo luận về ranh giới không gian và thời gian của Hàng lang giao thông không carbon đề xuất; thảo luận về kế hoạch nghiên cứu khả thi Hàng lang giao thông không carbon bao gồm các hoạt động khác nhau sẽ được tiến hành…

Tại hội thảo, đại diện đoàn chuyên gia EOC, bà Naeeda Crishna đã trình bày tham luận về Hành lang giao thông không carbon, bao gồm: nội dung và cơ sở nghiên cứu; khái niệm CNTC; nghiên cứu khả thi về CNTC. Theo đó, nghiên cứu tiền khả thi CNTC năm 2007 đã xác định diện tích lớn rừng bị suy thoái/ đất cây bụi tại các tỉnh thuộc EWEC có thể được trồng để đem lại nhiều lợi ích như hấp thụ CO2, bảo tồn đất và nước, cải thiện cảnh quan…

Các đại biểu tham dự hội thảo đã trình bày quan điểm về khái niệm Hành lang giao thông không carbon và tập trung thảo luận một số nội dung chính: (i) các vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; (ii) các chính sách/ dự án giao thông vận tải hiện hành và sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như các đối tác chính khác trong lĩnh vực này; (iii) các phần việc đã được thực hiện trong mục tiêu hấp thụ carbon rừng và các đối tác chính tham gia; (iv) ranh giới nghiên cứu và (v) yêu cầu về dữ liệu. Trong đó, các đại biểu bày tỏ mối quan tâm chung đến việc xây dựng các chính sách cân bằng mâu thuẫn giữa sản xuất nhiên liệu sinh học và nguy cơ đe doạ an ninh lương thực; việc kiểm soát phát thải và chế tài xử phạt hành vi phát thải vượt quá quy định cho phép khi tham gia giao thông vận tải; tăng cường sử dụng năng lượng ít phát thải kết hợp cải tạo đường sá và quy hoạch sử dụng đất  khu vực có liên quan; đánh giá tác động môi trường của các dự án giao thông; khả năng khả thi về kỹ thuật, tài chính nhằm giảm phát thải trực tiếp do giao thông vận tải tại Hành lang kinh tế Đông Tây…

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu là chuyên gia quốc tế từ EOC, các chuyên gia và nhà quản lý thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường… và nhiều cán bộ nghiên cứu tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

Theo dự kiến, báo cáo nghiên cứu khả thi cuối cùng sẽ bao gồm các khuyến nghị và kế hoạch chi tiết của các hoạt động/sáng kiến được kiểm nghiệm tại chỗ trong giai đoạn CEP tiếp theo.

 

n phòng Viện

 

 

 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây