Phó Viện trưởng Mai Thế Toản phát biểu tại Hội thảo
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và thực hiện các cam kết tại COP26 về ứng phó với BĐKH, giảm thiểu các tác động xấu và rủi ro trong quá trình phát triển đòi hỏi việc xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững theo hướng Kinh tế tuần hoàn (KTTH). KTTH không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với mỗi quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo hướng đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực KTTH của quốc gia. Bằng nhiều công việc cụ thể, công cuộc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thông qua các sáng kiến, nỗ lực cụ thể.
Nhiều tín hiệu tích cực gần đây cho thấy sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương để khởi động và thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi sang KTTH ở Việt Nam. Có thể thấy KTTH phổ biến trong nền kinh tế nhưng những rào cản quan trọng nhất được xác định là thể chế và quản trị, văn hóa và hành vi; đổi mới và sáng tạo; khoa học và công nghệ. Đây cũng chính là những thách thức đặt ra đối với “Quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến hiện thực hóa KTTH sẽ góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Các đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu tham gia trình bày, đóng góp ý kiến trực tuyến
Phát triển KTTH là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ở Việt Nam khi chuyển đổi sang KTTH cũng chứa đựng đủ các rào cản như đã được nêu. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ về tiêu chí, lộ trình và cơ chế chính sách để vượt qua các rào cản này nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các giải pháp: dán nhãn nguy hại, nhãn sinh thái, sản phẩm thân thiện môi trường; thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo dòng thải nhựa, kim loại, thủy tinh, giấy, bìa, gỗ, dầu nhớt, hạn chế chôn lấp, đốt rác; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, tài chính xanh, mua sắm xanh, tín dụng, trái phiếu xanh, các biện pháp ưu đãi, hộ trợ môi trường thông qua thuế, phí, đất đai theo nguyên tắc người phát thải phải trả phí, người tạo ra ngoại sinh tích cực cho môi trường được hỗ trợ.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Cùng với đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa ra quy định riêng về kinh tế tuần hoàn và nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy KTTH khác như EPR, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, … trong pháp luật về bảo vệ môi trường 2020. Đây là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để phát triển các mô hình tăng trưởng mới giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên.
An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn