Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạọ ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, đặc biệt là các chính sách về tài chính đất đai, giá đất khiến cho tình trạng sử dụng đất lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai có chiều hướng gia tăng.
Các phương pháp định giá đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; việc định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin đảm bảo phù hợp với thị trường. Do đó đặt ra yêu cầu sớm sửa đổi Luật Đất đai nói chung và các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất nói riêng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai. Ngoài ra, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh,..chưa chặt chẽ và còn bất cập. Do đó viêc sửa đổi luật đất đai phải bảo đảm: (1) Khai thác được nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; Đảm bảo tính khách quan và rút ngắn thời gian thực hiện việc xác định giá đất cụ thể.”
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bám sát, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, cụ thể gồm những nội dung: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyên mục đích sử dụng đất, Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;…Ngay sau khi Nghị quyết số 18 – NQ/TW được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thế chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật đảm bảo các yêu cầu.”, ông Trần Đình Hạnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh.
Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đã trình bày báo cáo “Rào cản trong sử dụng tài nguyên đất để huy động nguồn tài chính quốc tế của doanh nghiệp tại Việt Nam và Kinh nghiệm Quốc tế” với nội dung gồm: Rào cản trong sử dụng tài nguyên đất để huy động vốn vay quốc tế của doanh nghiệp tại Việt Nam và Kinh nghiệm cho phép thế chấp tài sản là đất để huy động vốn vay quốc tế.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận và đóng góp ý kiến về các nội dung góp phần nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nội dung chính sách về tài chính đất đai, giá đất; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngọc Anh – An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn