Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) được coi là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất ở Việt Nam và trên toàn cầu. RTN như túi nylon, cốc nhựa, ống hút chỉ sau ít phút sử dụng sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường.
RTN tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của RTN là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì RTN sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.
Theo số liệu khảo sát vào tháng 3 năm 2021 do Viện CLCSTN&MT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi ni-lông sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi ni-lông/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi ni-lông miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ trung bình khoảng 1.454 túi ni-lông/ngày, dao động từ 70 đến 2.800 túi.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, số lượng túi ni-lông được các nhà bán lẻ sử dụng để phục vụ nhu cầu mua bán online có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra bài toán về phân phối và tiêu thụ túi ni-lông của các nhà bán lẻ. Do vậy, việc hỗ trợ các nhà bán lẻ tìm ra các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ túi ni-lông là rất cần thiết.
Mới đây, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Xuất phát từ mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà bán lẻ, Viện CLCSTN&MT phối hợp với cùng Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh Châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ công bố Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Liên minh các nhà bản lẻ giảm túi ni-lông dùng một lần được thành lập sẽ góp phần đạt được mục tiêu giảm túi ni-lông sử dụng một lần trong tiêu dùng, bán lẻ, góp phần đạt được các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững.” Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh túi ni lông có khả năng tự phân hủy và các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Về phía Viện CLCSTN&MT, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng khẳng định: “Viện sẽ tiếp tục cùng với Sở Công Thương Hà Nội và các nhà bán lẻ triển khai các hoạt động của Liên minh. Đồng thời, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa nhựa bao gồm Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), WWF-Việt Nam, Đại sứ quán Hà Lan, Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường (VB4E), Quỹ Châu Á (TAF) thúc đẩy các hoạt truyền thông nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng”.
Đại diện Expertise France, Bà Fanny Quertamp, Cố vấn cao cấp tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việc thành lập Liên minh trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh các siêu thị nhằm giảm tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam” là một dấu mốc ý nghĩa và hi vọng sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ. Mong rằng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại Việt Nam”.
Tính đến tháng 12 năm 2021, có 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia Liên minh, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Lock and Lock Hà Nội, Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Hội nhập phát triển Đông Hưng tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Long Bình Plaza, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Đức Thành, Công ty Cổ phần (CTCP) Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, Chi nhánh Tổng công ty May 10 - CTCP Siêu thị M10Mart, Công ty TNHH UNIQLO Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long, Công ty TNHH The Body Shop Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội, Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Phân Phối Sành Điệu, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty TNHH DECATHLON Việt Nam, và Công ty TNHH Aeon Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh, các nhà bán lẻ cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm giảm túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: Thay thế túi ni-lông khó phân huỷ cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; Thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi ni-lông dùng một lần; Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giảm thiểu sử dụng túi ni-lông và phát sinh chất thải nhựa; Thực hiện “Ngày không sử dụng túi ni-lông” vào một ngày trong tháng; Khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế túi ni-lông để bao gói các sản phẩm cung cấp cho chuỗi bán lẻ.
Việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông là sáng kiến đầu tiên tập hợp các nhà bán lẻ và giúp các nhà bán lẻ tìm tiếng nói chung trong hoạt động giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Các hoạt động và giải pháp thiết thực, cụ thể, kịp thời dự kiến sẽ là nguồn cổ vũ, động viên đối với cộng đồng các nhà bán lẻ, thể hiện tinh thần tích cực gắng kết vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
Ngọc Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn