Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”

Thứ năm - 16/02/2023 02:15
Ngày 16/02/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam dưới sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ.

“Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa (RTN) ra môi trường. Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu RTN. Đề xuất Dự án giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận thực hiện tài trợ”, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

16 02 2023
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

          Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, môt phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn nhất chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống song ngòi, kênh rạch trôi ra biển, Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Quản lý chất thải nhựa tại các khu du lịch ven biển đã được đề cập đến trong các quy định về  giảm thiểu RTN biển, RTN đại dương đối với nguồn phát sinh từ hoạt động du lịch, điển hình tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị số 33/CT-TTg, Quyết định số 1746/QĐ-TTg, Quyết định số 1316/QĐ-TTg và lồng ghép trong Quyết định của Bộ Văn hóa thể thao du lịch về công tác bảo vệ môi trường. 

IMG 9869
Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại buổi Lễ

Ô nhiễm RTN đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển.  Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do RTN, trên thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề RTN, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

          Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” được thực hiện nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Quá trình thực hiện Dự án bao gồm 3 hợp phần như sau: (1) Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm RTN trong lĩnh vực du lịch; (2) Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; (3) Xây dựng Kế hoạch truyền thông giảm thiểu RTN trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý RTN đối với doanh nghiệp du lịch.

Ngọc Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây