Mực nước biển dâng gây ra những rủi ro “không tưởng” cho hành tinh

Thứ sáu - 17/02/2023 02:07
Mực nước biển dâng gây ra những rủi ro “không thể tưởng tượng được” đối với hàng tỷ người trên khắp thế giới, với những tác động sâu sắc đối với an ninh, luật pháp quốc tế, nhân quyền và cơ cấu xã hội.

Điều này vừa được các quan chức cấp cao nhấn mạnh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), khi các thành viên tổ chức cuộc họp đầu tiên về tác động toàn cầu của mực nước biển dâng.

Mối đe dọa cấp số nhân

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết: “Tác động của nước biển dâng đang tạo ra những bất ổn và xung đột mới”.

Nhấn mạnh đường bờ biển của một số quốc gia đã chứng kiến tốc độ tăng gấp ba lần mực nước biển trung bình, ông Guterres cảnh báo, trong những thập kỷ tới, các cộng đồng ở vùng trũng thấp và toàn bộ các quốc gia có thể biến mất vĩnh viễn. Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt của toàn bộ dân số, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết khi nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác cạn dần.

Mô tả mực nước biển dâng cao như một mối đe dọa cấp số nhân, người đứng đầu LHQ cho biết hiện tượng này cũng gây nguy hiểm cho việc tiếp cận với nước, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, xâm nhập mặn có thể làm mất việc làm và toàn bộ nền kinh tế trong các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch, đồng thời có thể gây thiệt hại hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, như hệ thống giao thông, bệnh viện và trường học.

Theo số liệu được công bố gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900 so với bất kỳ thế kỷ nào trước đó trong 3.000 năm qua và vẫn sẽ tăng lên đáng kể ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giữ ở mức 1,5 độ C.

Ông Guterres cảnh báo, trong bất kỳ kịch bản tăng nhiệt độ nào, các quốc gia từ Bangladesh đến Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan đều sẽ gặp rủi ro. Các siêu đô thị trên mọi châu lục sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng, bao gồm Lagos, Bangkok, Mumbai, Thượng Hải, London, Buenos Aires và New York. Mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với khoảng 900 triệu người sống tại các vùng ven biển ở độ cao thấp.

Ông nói, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến sự tàn phá và nước biển dâng cao đã ảnh hưởng đến sinh kế của ngành du lịch và nông nghiệp trên khắp vùng Caribê. Mực nước biển dâng và các tác động khí hậu khác đã buộc mọi người phải di dời ở Fiji, Vanuatu, Quần đảo Solomon và các nơi khác.

Trong bối cảnh đó, quan chức LHQ kêu gọi hành động trên nhiều mặt, bao gồm tăng cường kiến thức của cộng đồng toàn cầu về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an ninh và giải quyết các tác động của mực nước biển dâng trong các khuôn khổ pháp lý và nhân quyền.

Tăng cường hành động để bảo vệ bờ biển

Ông Csaba Kőrösi, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho rằng biến đổi khí hậu - “thách thức lớn nhất của thế hệ chúng ta” - là vấn đề được các nhà lãnh đạo thế giới nêu ra nhiều nhất trong cuộc thảo luận cấp cao cuối cùng của Đại hội đồng.

Trong khi đó, mực nước biển dâng do khí hậu cũng đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới. Ông Csaba Kőrösi kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận tầm quan trọng của hành động khí hậu như một công cụ chính để xây dựng hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng dữ liệu và khuôn khổ để bảo vệ chống lại mối đe dọa từ mực nước biển đã tồn tại. “Điều cần thiết bây giờ - hơn bao giờ hết - là ý chí chính trị để hành động”, ông nói.

Ông Bogdan Aurescu, Bộ trưởng Ngoại giao Romania và Đồng Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu của Ủy ban Luật pháp Quốc tế về Mực nước biển dâng cho rằng mực nước biển liên quan đến biến đổi khí hậu đặt ra rủi ro thực sự đối với hơn 2/3 các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Nhấn mạnh một loạt các tác động của mực nước biển dâng, ông cho biết các đường bờ biển đang bị đẩy vào trong, ảnh hưởng đến các đường cơ sở dùng để đo lường các vùng biển của các quốc gia và do đó đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên của các nước đó.

Mặc dù có một số hành động để bảo vệ bờ biển của các quốc gia, bao gồm cả các rào cản vật lý, nhưng chi phí của chúng vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Aurescu nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng tốt hơn luật pháp quốc tế để hỗ trợ các quốc gia chịu rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng, đồng thời chỉ ra rằng Ủy ban Luật pháp Quốc tế gần đây đã bổ sung chủ đề “Mực nước biển dâng liên quan đến luật pháp quốc tế” vào chương trình nghị sự của ủy ban.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bà Coral Pasisi, Giám đốc Biến đổi Khí hậu của Cộng đồng Thái Bình Dương và người đứng đầu tổ chức phi chính phủ, Tofia Niue cảnh báo, đến năm 2050 - “thế hệ của con cháu chúng ta” - mực nước biển dâng sẽ vượt quá ít nhất một mét đối với hầu hết các quốc đảo nhỏ đang phát triển, một sự thay đổi sẽ kéo dài hàng nghìn năm.

Liệt kê những tác động nghiêm trọng mà cộng đồng đang phải đối mặt hiện nay, từ hiện tượng tẩy trắng rạn san hô đến xâm nhập mặn, bà Pasisi lên án việc cộng đồng quốc tế tiếp tục coi thường trách nhiệm và không bị trừng phạt khi không hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Theo bà, đây là vấn đề an ninh có tầm quan trọng tối cao đối với khu vực Thái Bình Dương.

Bà Pasisi hy vọng, Đại hội đồng sẽ sớm thông qua nghị quyết do Vanuatu đưa ra, yêu cầu ý kiến tư vấn từ Tòa án Công lý Quốc tế về nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu.

(Theo baotainguyenmoitruong.vn)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây