Về cơ bản, các quy định phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được các địa phương thực hiện tương đối thống nhất và có hiệu quả, nâng cao tính chủ động cho chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng các nguồn lực ở địa phương, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước, hướng dẫn công tác cấp phép, xử phạt vi phạm hành chính, quản lý lưu vực sông, quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định về bảo vệ lòng, bờ bãi sông; quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất; bảo vệ nước dưới đất; xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối… và các định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, là công cụ đắc lực giúp công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều địa phương đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế nên nhiều nội dung phân cấp cho địa phương triển khai còn chậm như việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các sông, suối; việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất…
Về lĩnh vực địa chất, khoáng sản, sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành và có hiệu lực, các văn bản quy định chi tiết dưới Luật cũng đã được ban hành nhằm chi tiết hóa và hướng dẫn các quy định của Luật nói chung và các quy định phân cấp nói riêng, qua đó cơ bản đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương.
Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là nhu cầu cấp thiết trong việc xây dựng đường giao thông, đê kè, cầu cống là những công trình yêu cầu về tiến độ thực hiện để phục vụ mục đích an sinh xã hội. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về nguồn kinh phí, định mức chi… nên các địa phương không có cơ sở lập dự toán chi ngân sách hàng năm, khó khăn cho việc bảo đảm kinh phí thực hiện công tác này. Công tác giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa được quan tâm thực hiện, chất lượng các báo cáo kết quả thăm dò chưa cao. Việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo thăm dò địa chất (sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt) vào lưu trữ địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên gây khó khăn cho công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng.
Vướng mắc, bất cập về thể chế và quản lý sẽ làm giảm hiệu quả công tác quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, khoáng sản. Cải thiện các chính sách về quản lý và quản trị tài nguyên nước và tài nguyên địa chất, khoáng sản là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Mục tiêu của đề tài là đánh giá thực trạng phân công, phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản giữa Trung ương và địa phương; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số nội dung phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản phục vụ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn