Đề tài xây dựng với mục tiêu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn về sử dụng các công cụ hỗ trợ phân tích đánh đổi giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ quá trình phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng; Đề xuất công cụ phù hợp để hỗ trợ phân tích đánh đổi giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng; Đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách theo hướng điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng ở Việt Nam.
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng. Đồng thời, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế trong quá trình khai thác, sử dụng đất đòi hỏi các cấp, các ngành phải cân nhắc đầy đủ các giá trị, lợi ích của đất để lựa chọn phương án, bố trí không gian sản xuất, sinh tồn phù hợp nhằm khai thác được các giá trị của đất cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với những chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ đã làm suy giảm các nguồn vốn tự nhiên. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch ở tất cả các khâu từ nghiên cứu, lập, thẩm định, tổ chức thực hiện nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tế cuộc sống và phục vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch đều đã có hiệu lực, quy hoạch vùng được ghi nhận là một cấp trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, quá trình xây dựng quy hoạch nói chung và quy hoạch vùng nói riêng cần phải tính toán, xây dựng các phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, cân bằng giữa lợi ích của kinh tế và môi trường cũng như đảm bảo được tính liên ngành, liên vùng, từ đó lựa chọn được những phương án phát triển phù hợp.
Qua rà soát các nghiên cứu quốc tế và Việt Nam liên quan đến nội dung của đề tài, các công trình nghiên cứu về quy hoạch sử dụng đất tập trung chủ yếu trong nghiên cứu về về trình tự, nội dung và phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất cũng như ứng dụng các mô hình, phần mềm hỗ trợ dự báo nhu cầu sử dụng đất hay đánh giá tiềm năng về đất đai. Đối với các nghiên cứu về bộ tiêu chí đất đai hiện nay, chủ yếu các nghiên cứu tập trung vào bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai dựa trên các yếu tố về thổ nhưỡng, nhằm nâng cao chất lượng công tác sử dụng đất. Hiện chưa có công trình nghiên cứu có quy mô, toàn diện và chuyên sâu về áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về việc xây dựng luận cứ khoa học về phương pháp phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng, từ đó đề xuất các công cụ hỗ trợ và các giải pháp về cơ chế, chính sách theo hướng điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng ở Việt Nam; Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp công cụ để cá nhân, tổ chức có trách nhiệm đề xuất, lựa chọn các phương án phân bổ nguồn lực đất đai trong phát triển ngành kinh tế có lợi thế của vùng, nhằm phân bổ nguồn lực về đất đai khi xây dựng, phê duyệt các phương án phát triển trên lãnh thổ vùng theo Luật Quy hoạch. Phạm vi nghiên cứu đề tài sẽ tập trung làm rõ cơ sở lý luận, sự cần thiết cần phải sử dụng các công cụ hỗ trợ phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng , từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm về chính sách theo hướng điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong quy hoạch vùng ở Việt Nam.
An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn