Đề tài xây dựng với mục tiêu đánh giá được nhu cầu, thực trạng, khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam và đề xuất được các giải pháp có tính khả thi thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phát triển kinh tế mới thay thế cho cách tiếp cận trước đây, kinh tế tuyến tính (KTTT – Linear Economy). Kinh tế tuần hoàn dựa trên cách tiếp cận khép kín dạng vòng tròn, tài nguyên thiên nhiên được khai thác một lần, sau đó vận chất được lưu chuyển trong hệ thống kinh tế, hạn chế tối đa chất thải đưa ra môi trường và hướng đến phát thải bằng không. Các tiếp cận này dựa trên nguyên lý động lực học, đặc biệt là định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, nhưng được nhìn nhận từ hiệu quả kinh tế, do vậy đạt được cả mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Từ thực tiễn nghiên cứu về KTTH nói chung và đặc biệt là KTTH trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam cho thấy, chúng ta đang tiếp cận và tìm hướng đi đúng cho KTTH phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đưa ra các khái niệm, cách nhìn khác nhau về KTTH, nhưng đều có một điểm chung là xây dựng một nền kinh tế dựa trên tiếp cận giảm thiểu tối đa khai thác tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó chất thải được sử dụng đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng nhiều lần, kéo dài tuổi thọ vật chất trong nền kinh tế và không phát thải ra môi trường. Để khắc phục những hạn chế của cách tiếp cận trước đây về kinh tế tuyến tính không giải quyết được mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường, KTTH sẽ là hướng tiếp cận mới để giải quyết mối quan hệ này một cách hiệu quả và có tính thực tiễn cao từ thực tiễn yêu cầu, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thu hồi, tái chế, tăng tuổi thọ vật liệu cũng như dịch chuyển sang công nghiệp 4.0 hướng đến phát triển bền vững.
KTTH được áp dụng cho lĩnh vực sản xuất là hướng đi đúng, cần phải được triển khai ngay và tạo ra hành lang pháp lý để phát triển phù hợp với bối cảnh hiện nay và phát triển trong tương lai. Thực tiễn cũng đã cho thấy với sự chuyển đổi kinh tế thế giới từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp (gọi là cách mạng công nghiệp) đã tạo ra năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên kết thúc cách mạng công nghiệp đã để lại hậu quả năng nề cho môi trường, đó là khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, đóng vai trò chính là các ngành sản xuất do sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, chất thải trực tiếp đưa ra môi trường dẫn đến hệ sinh thái suy giảm. Để giải quyết bài toán về khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải ra môi trường và tìm lối thoát cho các ngành sản xuất trên thế giới đã khởi xướng các chương trình giảm thiểu và tái chế chất thải.
Từ tổng quan các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam, những điểm mới cần nghiên cứu và khoảng trống chưa nghiên cứu phải lấp đầy như đã nêu ở trên cho thấy việc nghiên cứu đề tài này để đạt yêu cầu như hai mục tiêu đề ra là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Vì đây là vấn đề mới đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, Việt Nam thực hiện trước hết cho mô hình KTTH trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ mở đầu cho áp dụng mô hình KTTH trong một số lĩnh vực cụ thể, rút ra các bài học kinh nghiệm từ đó nhân rộng cho các lĩnh vực khác.
An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn