Đề tài xây dựng với mục tiêu cung cấp cơ sở pháp lý về chế định quyền bề mặt, cơ sở khoa học về các chính sách thực hiện quyền bề mặt và đề xuất chính sách thực hiện quyền bề mặt trong quản lý nhà nước về đất đai. Quyền bề mặt không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, bởi lẽ các biểu hiện, nội hàm của quyền bề mặt đã từng quy định trong pháp luật dân sự thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, cả nước bắt tay vào kiến thiết xây dựng đất nước XHCN, kinh tế tập thể được đề cao, đất đai được quy định thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Thuật ngữ “Quyền bề mặt” xuất hiện trong Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách là một chế định riêng với cái tên chưa từng được ghi nhận trong các bộ luật dân sự trước đây. Sau khi quyền bề mặt được ghi nhận là một chế định pháp luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đến nay đã có một số công trình nghiên cứu làm rõ các vấn đề về nguồn gốc, khái niệm và các quy định về quyền bề mặt trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Việc quy định quyền bề mặt giúp giải bài toán khó về hoạt động thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, thay vì phải thu hồi quyền sử dụng đất của người dân, thì trong một số dự án, chủ đầu tư có thể thuê quyền bề mặt của người dân trong một thời hạn nhất định trong khi quyền sử dụng đất vẫn là của người dân, quyền sở hữu đối với các công trình xây dựng thuộc về chủ đầu tư, như vậy các bên đều đạt được mục đích và nhà nước không phải tiến hành thủ tục thu hồi, bồi thường, tái định cư phức tạp như hiện nay. Trên thế giới, thuật ngữ quyền bề mặt đã ra đời từ khá sớm và được pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận đến ngày nay. Việc các quy định quyền bề mặt trong hệ thống pháp luật xuất hiện từ khá sớm thể hiện rằng pháp luật các nước đã kịp thời luật hoá được các nhu cầu đa dạng phát sinh trên thực tiễn về khai thác, sử dụng đất đai cho các mục đích phát triển, cho thấy vai trò quan trọng trong quản lý đất đai của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh các giao dịch về đất đai, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Mặc dù chế định về quyền bề mặt đã được pháp luật Việt Nam công nhận, nhưng cho đến nay số lượng các nghiên cứu trong nước, đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu về quyền bề mặt còn khá hạn chế, một số đề tài, bài viết đề cập nêu trên đã khái quát được những vấn đề mang tính lý luận về vật quyền nói chung và quyền bề mặt nói riêng; phân tích, phát hiện những bất cập trong quy định pháp luật dân sự hiện hành về chế định quyền bề mặt, từ đó đề xuất những kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan, trong đó tập trung vào Bộ luật Dân sự năm 2015. Các đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, làm rõ nội dung quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số pháp luật chuyên ngành có liên quan phần lớn mang tính gợi mở, dựa trên các góc nhìn khác nhau của từng tác giả. Hiện chưa có các nghiên cứu trên quy mô lớn mang tính tổng thể, toàn diện và chuyên sâu về quyền bề mặt, đặc biệt chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu chuyên sâu về chế định quyền bề mặt trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách đất đai.
Để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân, giảm thiểu chi phí về đất đai cho doanh nghiệp, giảm thiểu các trường hợp phải thu hồi đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác các khoảng không gian cho các mục đích sử dụng đất khác nhau,… Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc về tranh chấp đất đai liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản trên đất giữa các chủ thể sử dụng đất với nhau cũng như với ngân hàng. Do đó, ngoài quyền sử dụng đất, việc bổ sung thêm quyền bề mặt thông qua các quy định pháp luật cụ thể là rất cần thiết. Phạm vi nghiên cứu đề tài sẽ tập trung làm rõ chính sách quyền bề mặt trong pháp luật đất đai, từ đó đề xuất định hướng điều chỉnh, bổ sung các quy định về quyền bề mặt trong pháp luật đất đai (Luật đất đai, văn bản dưới luật có liên quan).
An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn