Ngày 30/10/2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Tờ trình số 54/TTr-BTNMT.
Ngày 23/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9777/VPCP-NN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tiếp tục rà soát dự thảo Chiến lược đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Văn kiện sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc; đồng thời tổ chức làm việc với các Bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau về các chỉ tiêu của Chiến lược. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Viện CLCSTNMT đã rà soát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, làm việc với một số Bộ, ngành và hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.
Ngày 29/4/2021, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công văn số 2007/BTNMT-VCLCS gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.
Ngày 27/7/2021, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành Công văn số 4204/BTNMT-VCLC gửi Văn phòng Chính phủ về việc tiếp thu các ý kiến của các Bộ ngành đối với Dự thảo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 16/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6553/VPCP-NN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp tục rà soát Dự thảo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Viện đã rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung Dự thảo Chiến lược để đảm bảo thống nhất với Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020, một số văn bản mới ban hành và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược được phê duyệt với quan điểm môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, do vậy phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng. Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.
Các nhiệm vụ Chiến lược đề ra:
- Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường.
- Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường.
- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên.
- Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, trước hết cần đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.
Chi tiết Quyết định xin mời xem tại đây.
An Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn