Sẽ dùng công cụ kinh tế đánh vào hầu bao của doanh nghiệp

Thứ bảy - 22/10/2005 04:10
Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hiện đang được các tổ chức doanh nghiệp, hộ gia đình rất quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện việc thu phí nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và bản thân nhà quản lý cũng gặp không ít khó khăn. Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ hơn vấn đề này...

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hiện đang được các tổ chức doanh nghiệp, hộ gia đình rất quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện việc thu phí nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và bản thân nhà quản lý cũng gặp không ít khó khăn. Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tài - Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ hơn vấn đề này...

Phóng viên (P.V): Đối với các doanh nghiệp nếu không thu được phí nước thải thì ở góc độ nhà quản lý, Vụ Môi trường đã có hướng giải quyết và đề ra những chế tài như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tài (N.V.T): Bất kỳ doanh nghiệp nào khi thải ra môi trường nếu vi phạm quy định về tiêu chuẩn môi trường đều bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định 149/NĐ-CP và theo Quyết định 64 về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với những cơ sở vượt quá tiêu chuẩn bắt buộc phải áp dụng lắp đặt công nghệ mới hoặc di dời địa điểm và sẽ đóng cửa đối với những cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ dùng công cụ kinh tế đánh vào hầu bao của các doanh nghiệp bằng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Khi Nghị định 67/NĐ-CP được triển khai trên thực tế nhìn chung các doanh nghiệp đều thực hiện tốt. Một số địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó lập danh sách đối tượng phải nộp phí và thông báo hoặc gửi công văn đề nghị doanh nghiệp đến Sở TN&MT tỉnh để kê khai. Lần thứ nhất sau 1 tháng nếu không thấy trả lời tiếp tục ra một công văn nữa, yêu cầu lần thứ hai; 1 tháng sau không có thì có công văn yêu cầu lần thứ 3.

P.V: Giữa phí nước thải công nghiệp (CN) và phí nước thải sinh hoạt (SH), theo ông khó khăn trong việc thu phí sẽ thuộc về bên nào?

Ông N.V.T: Thu phí nước thải không có nghĩa là thu nước thải ra mà là thu những chất gây ô nhiễm hòa tan trong lượng nước thải. Nếu nước thải chứa càng nhiều hợp chất gây ô nhiễm môi trường thì thu phí càng nhiều và ngược lại (có nghĩa là 10 kg/1m3 sẽ thu gấp 10 lần so với 1kg/m3). Ngoài ra, nước thải sinh hoạt của các gia đình đều giống nhau, đều có chung khối lượng chất ô nhiễm hòa tan trong nước trong khi nước thải công nghiệp thì không phải như vậy. Vì thế để thuận lợi cho việc thu phí thì phải tách việc thu phí nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Cách thu được tính theo m3 nước mua vào (thu 10%/giá bán nước). Đối với những nơi có nước máy mà không chịu sử dụng hoặc tự khai thác nước để sử dụng thì việc thu phí sẽ tính trên đầu người.

Khó nhất hiện nay của việc thu phí nước thải công nghiệp là việc xác định khối lượng chất thải. Hiện nay, một số địa phương tự đi đo, có nơi thì lấy số liệu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nơi thì lấy kết quả của thanh tra, quan trắc định kỳ. Nhưng số liệu giữa các đơn vị rất khác nhau, thời gian đầu các địa phương còn lúng túng trong việc thu phí nên đã tạm dừng việc lấy mẫu phân tích mà giao cho các doanh nghiệp tự kê khai sau đó gửi tờ khai đến Sở TN&MT thẩm định.

Nếu số liệu của Sở và DN chênh lệch nhau quá 30% thì khi ấy sẽ do một đơn vị độc lập khác lấy mẫu đánh giá phân tích mà đơn vị này do Bộ TN&MT cấp giấy phép hoạt động. Theo quy định, thì Sở TN&MT được phép giữ lại 20% để phục vụ cho việc thu phí.

P.V: Trong thực tế việc thu phí nước thải đã gặp không ít khó khăn, vậy thời gian tới các ông định giải quyết thế nào?

Ông N.V.T: Hiện Vụ MT đang xây dựng Thông tư lấy ý kiến của các Chuyên gia, địa phương và DN. Sau đó sẽ tổ chức tọa đàm thêm một lần nữa để đưa ra định mức xả thải và ban hành trong thời gian tới. Trong đó, lấy tiêu chuẩn của chương trình môi trường Liên hợp quốc, công nghệ mới, hiện đại của các nước phát triển.  

Xin cảm ơn ông!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây