Tọa đàm Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5: Phát triển thị trường các bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam

Thứ ba - 14/05/2024 04:45
Ngày 14/5/2024, nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm “Phát triển thị trường các-bon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam”. Tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng và TS. Mai Thanh Dung -  Phó Viện trưởng đồng chủ trì cùng với sự tham gia của toàn thể nghiên cứu viên đang công tác tại Viện. Khách mời tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, TS. Nguyễn Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và đại diện Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam…  Ngày KH&CN Việt Nam được Quốc hội thống nhất thông qua và được ghi trong Luật KH&CN năm 2013. Đây là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời để các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH&CN với công chúng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách mới về KH&CN, giới thiệu rộng rãi về thành tựu ở trong và ngoài nước…
anh chup man hinh 2024 05 14 luc 14 41 54
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng (bên phải) và TS. Mai Thanh Dung -  Phó Viện trưởng đồng chủ trì

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, từ khi Việt Nam tổ chức xây dựng thị trường các-bon và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, cũng như xây dựng nhiều cơ chế về công nghệ sạch, Việt Nam đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc thực hiện kiểm kê, báo cáo và xác nhận chứng chỉ liên quan đến thị trường các-bon giai đoạn từ 2018 - 2020, bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện mua các tín chỉ các-bon này, mở ra cơ hội mới cho Việt Nam phát triển thị trường các-bon thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường thế giới, việc thực hiện kiểm kê carbon có rất nhiều những rủi ro liên quan đến đo lường phát thải các-bon. Do đó, để thực hiện được việc giao dịch các tín chỉ các-bon cũng như dòng chảy nguồn nước, dòng chảy phát thải cần các phương pháp ứng dụng công nghệ cũng như quy trình chặt chẽ để có thể hoàn thành được. Đã có rất nhiều tổ chức quốc tế đưa tiêu chuẩn EPA đầu tư tại Việt Nam từ 2012 để giao dịch các tín chỉ các-bon. Việc thực hiện giao dịch bán tín chỉ này hiện nay vẫn còn vướng mắc nhiều khó khăn, vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần gấp rút thực hiện kiểm kê các-bon và buổi tọa đàm sẽ giúp các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành đưa ra những thảo luận, phương án để tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại liên quan đến phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

anh chup man hinh 2024 05 14 luc 14 41 12
Ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững trình bày tại Tọa đàm

Ông Vũ Tấn Phương Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã có bài chia sẻ về “Giảm phát thải khí nhà kính và tiềm năng thương mại các-bon trong lâm nghiệp” với 04 nội dung chính: (1) Phát thải khí nhà kính và các chính sách giảm phát thải tại Việt Nam; (2) Đóng góp của ngành lâm nghiệp trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam; (3) Thị trường các-bon và định hướng phát triển thị trường các-bon trong nước; và (4) Thương mại các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sau bài trình bày, nhiều câu hỏi đến từ các đại biểu được đặt ra. Theo các đại biểu, nguồn thu từ hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon có được sử dụng cho việc tái đầu tư vận hành thị trường không? Từ thí điểm trong lĩnh vực lâm nghiệp trong khuôn khổ Nghị định 107/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng mở rộng phạm vi đối với các lĩnh vực khác như trồng lúa nước, đất ngập nước,… không? Việc thẩm định tiêu chuẩn các-bon hiện nay phụ thuộc vào bên thứ ba, vậy quy trình đăng ký, và các điều kiện cần đảm bảo đối với các tổ chức này như thế nào?

Theo ông Phương, Nghị định 107/NĐ-CP đã đưa ra cơ chế sử dụng nguồn thu từ hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon. Theo quy định chung về tài chính là không được chi hai nguồn khác nhau cho cùng một hoạt động. Với cơ chế tài chính này, các nỗ lực tăng thêm của những chủ thể trực tiếp góp phần giảm phát thải khí nhà kính cũng không được chi trả bổ sung cho các nỗ lực của họ. Đây là một trong những hạn chế của cơ chế cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Về khả năng áp dụng mở rộng phạm vi dự án đối với các lĩnh vực khác như đất trồng lúa, đất ngập nước: Các lĩnh vực khác hoàn toàn có thể tiếp cận tương tự, tuy nhiên đều phải tuân thủ quy trình chung (xây dựng ý tưởng và văn kiện dự án, đánh giá độc lập, đăng ký dự án, thực hiện dự án, xác minh kết quả, cấp tín chỉ). Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay chưa có quy định về đăng ký, cấp phép đối với tổ chức đủ điều kiện cấp tín chỉ các-bon. Việc sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP sẽ tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức đủ điều kiện đăng ký hoạt động cấp tín chỉ các-bon. Ông Phương cho rằng, để chuẩn bị các điều kiện triển khai thị trường các-bon, nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, áp dụng vào thực hiện như: Công cụ định giá các-bon, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường (sáng kiến mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học, nâng cao giá trị thương hiệu, thực hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp), nhãn các-bon, dấu chân các-bon,… Việc tìm ra định hướng nghiên cứu cũng giống như việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng và xác định rõ yêu cầu khách hàng, trước mắt là để phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành.

z5441129023350 da07c4fffb06da3ee016ed888980eb25
Toàn cảnh Tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ khẳng định, trong bối cảnh chung toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức đưa ra các yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững trong đó có nội dung về biên giới các-bon, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thách thức, đồng thời cũng mở ra cơ hội phát hành, giao dịch tín chỉ các-bon đạt tiêu chuẩn. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, ngoài phục vụ việc quản lý của Nhà nước, định hướng nghiên cứu trong thời gian tới còn giúp cho doanh nghiệp Việt Nam không bị đứt đoạn chuỗi cung ứng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây