Nhận thức được điều này, thông Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu tham vọng về quản lý CTRSH tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu 90% CTRSH đô thị, 80% CTRSH nông thôn được thu gom và xử lý, 30% được chôn lấp và phấn đấu 90-95% các bãi chôn lấp CTRSH tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 đã có bước tiến cơ bản trong hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý CTRSH ở Việt Nam. Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn; quy định chi tiết về phân loại CTRSH tại nguồn; thu phí theo khối lượng/thể tích; quy định về cải tạo phục hồi môi trường đối với bãi chôn lấp CTRSH; ký quỹ phục hồi môi trường đối với bãi chôn lấp. Luật BVMT 2020 cũng chuyển chức năng quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn từ Bộ Xây dựng (MOC) sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Luật BVMT, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều có quy định khuyến khích các dự án đầu tư, các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực quản lý CTR. Thông qua các hình thức gồm đầu tư công/lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc tư nhân hóa, khu vực tư nhân có thể tham gia vào việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp và cung cấp các dịch vụ QLCTRSH. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án PPP xử lý CTR nào được triển khai. Khu vực tư nhân chủ yếu tham gia theo các hợp đồng dịch vụ và chỉ tham gia vào một số khâu hạn chế trong chuỗi giá trị QLCTRSH. Chi phí phân bổ cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt (QLCTRSH) hiện nay chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến sự cần thiết thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia trong lĩnh vực QLCTRSH để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai về thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Quá trình nghiên cứu có sự tham vấn với các cơ quan ở địa phương, bao gồm các Sở Tài nguyên và Môi trường: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Ninh Thuận; các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình xử lý chất thải rắn trên cả nước như: Công ty TNHH Xây dựng & Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Minh Thông, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng Thế giới cũng đã tham vấn trực tiếp Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường/Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý đấu thầu/Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu, phương pháp tiếp cận, các phát hiện và đề xuất của nghiên cứu. Đây là nghiên cứu được xây dựng công phu với nhiều thông tin hữu ích và các khuyến nghị phù hợp để lồng ghép vào quá trình xây dựng chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn