Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức (phải) |
"Bên cạnh những lợi thế to lớn về nguồn lực kinh tế do biển mang lại, chúng ta đang phải đối phó với nhiều hiểm họa tự nhiên đến từ đại dương, các sự cố do con người gây ra. Phải tích cực và chủ động cùng nhau hành động, thực thi các giải pháp có hiệu quả", Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức nói.
Nước ta phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, theo Chiến lược Việt Nam đến 2020. Phấn đấu đến 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, có không ít thách thức cần vượt qua. "Đó là bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm và tài nguyên biển khỏi suy thoái do các hoạt động kinh tế - xã hội gây ra, thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai có hiệu quả, nhất là trong điều kiện Việt Nam được cảnh báo là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển", Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nói.
Chủ đề Ngày Đại dương thế giới 2008 "Hãy quan tâm đến khí hậu và đại dương của chúng ta", với trọng tâm là vấn đề rạn san hô, có liên quan mật thiết tới vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường biển nước ta.
Có thể nói, thách thức phải đối mặt giờ đây là môi trường biển đang suy giảm. 70% là do tác động từ bờ và duyên hải, các cảng biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản tập trung... "Thủy triều đỏ đã thực sự xuất hiện, các hệ sinh thái bị mất nơi cư trú tự nhiên, đa dạng sinh học giảm sút, nguồn lợi hải sản cũng vậy. Hướng tới xu thế hội nhập - cần lấy đại dương nuôi đất liền, song chúng ta vẫn đang nỗ lực từ đất liền chinh phục biển và ven biển", TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết.
Biển nước ta giàu có và đẹp. Hơn 3.000 cây số đường bờ biển, có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, 44 vũng, vịnh nhỏ và 12 đầm, phá ven bờ, khoảng 1.120 km rạn san hô, khoảng 252.500 ha rừng ngập mặn, thảm cỏ biển phân bố từ bắc vào nam... "Để vùng biển nào cũng "có chủ" thực sự, quản lý biển cần theo hướng tổng hợp, có cơ chế phối hợp liên ngành, quản lý theo vùng chức năng và dựa vào cộng đồng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biển đảo vì vậy là một trong hàng loạt nhiệm vụ trước mắt của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam", TS. Hồi nói.
Tâm đắc với phát biểu của TS. Hồi về tính sống còn của việc bảo vệ hệ đa dạng sinh thái môi trường biển, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược về TN&MT (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Tài cho rằng để thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020, cần triển khai đồng bộ cả phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, kiểm soát tốt nhất TN&MT biển theo xu thế bền vững.
Trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN), TS. Vũ Văn Triệu cho rằng để bảo vệ hệ sinh thái biển, cần thực hiện những giải pháp tương tự như bảo vệ hệ sinh thái rừng trên đất liền, cá nhân và tổ chức nào gây ô nhiễm phải chi trả kinh phí khắc phục. IUCN đang và sẽ liên tục nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, trong đó có việc nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đưa ra những thông tin mang tính cảnh báo, Phó Giám đốc thường trực, Trưởng phòng quản lý khai khác thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Lê Trần Nguyên Hùng cho biết hiện 68% ngư dân hoạt động trên biển chưa qua tiểu học, 18-20% chưa qua THCS. "Thách thức phải đối mặt khi hội nhập là trình độ ngư dân, là nguồn lực cán bộ quản lý. Hầu hết các ngành được hưởng lợi từ biển lại đang tác động tiêu cực đến môi trường biển", ông Hùng thẳng thắn nêu nghịch lý này.
"Chuyển đổi sinh kế cho ngư dân nhằm bảo vệ các khu bảo tồn biển đang là bài toán khó cần giải quyết bền vững", theo đại diện Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF). Thực tế đã triển khai các chương trình, dự án thành lập mạng lưới các khu bảo tồn biển, song duy trì và phát triển chưa bền vững. Muốn ngư dân "vươn khơi" tăng thu nhập và bảo vệ chủ quyền biển đảo, rất đáng quan tâm là vấn đề xây dựng nguồn nhân lực. Phó Vụ trưởng Vụ Biển (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Mạnh Hiển cùng chung nhìn nhận về thách thức này.
"Lãnh đạo Bộ giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của các quý vị tại buổi tọa đàm này, có thêm thông tin đầy đủ và toàn diện, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao về quản lý biển và hải đảo trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nói.
Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn