Hiện trạng thông tin, dữ liệu về chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thứ hai - 22/06/2009 20:00
Chiến lược, chính sách là những văn bản mang tầm vĩ mô, có tính bao quát, bao trùm về không gian, thời gian, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến tất cả các mối quan hệ xã hội. Do các đặc điểm này nên các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác, hoạt động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là rất lớn, rất đa dạng. Bao gồm từ các thông tin nền như: điều kiện tự nhiên, trữ lượng các nguồn tài nguyên, hiện trạng môi trường, bản đồ… đến các thông tin về điều kiện kinh tế-xã hội, văn hoá, truyền thống, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, của các ngành kinh tế, của đất nước trong các giai đoạn khác nhau, kinh nghiệm quốc tế.v.v.
Nhóm thông tin dữ liệu về chiến lược, chính sách về tài nguyên và môi trường cho đến nay chủ yếu mới dừng lại ở 02 nhóm thông tin dữ liệu: hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, môi trường và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Đánh giá một cách khách quan thì các thông tin, dữ liệu nêu trên rất quan trọng, được xem là cơ sở, căn cứ để nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các chiến lược, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, chúng còn giúp các nhà nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách xác định được các tồn tại, yếu kém và định hướng, tập trung ưu tiên mà các chiến lược, chính sách cần hướng đến. Tuy nhiên, những thông tin, số liệu này mới chỉ mang tính chất thông tin “nền”, và các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách không thể chỉ dựa trên những nguồn thông tin này để có được đánh giá chính xác, toàn diện và có quan điểm, định hướng phù hợp cho quá trình xây dựng chiến lược, chính sách. Để đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của mỗi chiến lược hay chính sách trên thực tế thì công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách phải tham chiếu đầy đủ các chiến lược, chính sách hiện có, từ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, các thông tin về kinh tế-xã hội, lịch sử, văn hoá… đến các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cá ngành, lĩnh vực, địa phương, các kết quả nghiên cứu khoa học hay những kinh nghiệm quốc tế có liên quan.
Để công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách thực sự chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý cần phải hội tụ được các điều kiện cần và đủ, trong đó, thông tin, dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và tính khả thi của chiến lược hoặc chính sách. Tuy nhiên, với nguồn thông tin đầu vào chủ yếu là các số liệu về thực trạng các nguồn tài nguyên và hiện trạng môi trường mà trong nhiều trường hợp, độ xác thực, tin cậy chưa cao, thì hoạt động nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay đang gặp rất nhiều những khó khăn (bên cạnh những khó khăn khác như trình độ, kinh phí…) và do vậy, một số các chiến lược, chính sách còn chưa đạt được chất lượng như mong muốn, chưa có tính khả thi. Nhìn chung, các chiến lược, chính sách hiện nay được xây dựng chủ yếu dựa trên ý chí, quan điểm chủ quan của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, hoặc dựa trên những số liệu điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên và hiện trạng môi trường mà chưa dựa trên các cơ sở lý luận, phương pháp luận và các nguyên tắc phù hợp. Bởi vậy, các chiến lược, chính sách tuy được đề ra còn có những phần mang tính chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, và thường khó áp dụng, triển khai trên thực tế.
Cho đến nay, ngành tài nguyên và môi trường chưa có bất kỳ một bộ cơ sở dữ liệu thống nhất tích hợp đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngay cả các thông tin do Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường đang quản lý cũng mới chỉ dừng lại việc quản lý các thông tin, số liệu điều tra cơ bản, hiện trạng tài nguyên và môi trường. Còn các thông tin, tài liệu về lý luận, phương pháp luận, kinh nghiệm trong nước và ngoài nước về nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách nói chung hay trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường rất thiếu vắng trong các thư viện hay các đơn vị lưu trữ dữ liệu, hoặc mới tồn tại dưới dạng analog (văn bản) và chưa được thu thập, lưu giữ. Có thể nói, các thông tin, dữ liệu nói chung, đặc biệt là các thông tin về chiến lược, chính sách về tài nguyên và môi trường vốn rất quan trọng cho công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách, quyết định chất lượng, tính khả thi và tính thống nhất, đồng bộ của các chiến lược, chính sách cụ thể nhưng lại chưa được thu thập, hệ thống hoá để khai thác, sử dụng.
Một số các thông tin, dữ liệu về chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường hiện đang được thu thập, quản lý nhưng còn rải rác ở nhiều bộ, ngành khác nhau như các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật của các ngành, lĩnh vực, chưa được tích hợp thống nhất phục vụ nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, rất nhiều thông tin, tài liệu chưa được thu thập để quản lý, sử dụng bao gồm các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ngoài ra còn phải kể đến các tài liệu, kinh nghiệm của các triều đại phong kiến Việt Nam, các giai đoạn phát triển của Việt Nam hoặc các kết quả nghiên cứu, tài liệu có liên quan. Hơn nữa, hiện nay công tác lưu giữ, bảo quản, tích hợp các nguồn thông tin, dữ liệu về phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách  tài nguyên và môi trường còn chưa có cơ chế, chưa có phần mềm để tích hợp hay chưa có phương pháp phù hợp, nên nhiều thông tin vẫn chưa được số hoá, tích hợp thống nhất. Tình trạng này đang gây khó khăn cho việc khai thác, tiếp cận thông tin và đòi hỏi được cải tiến, tháo gỡ, bởi nếu không có cơ chế lưu trữ, khai thác, chia sẻ thông tin thuận tiện và phù hợp, thì dù có nguồn thông tin phong phú, các nhà nghiên cứu cũng sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận và sử dụng thông tin.  
Cụ thể hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường thông qua các công cụ, chế tài, biện pháp, hệ thống quản lý…, hay Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đơn vị tham mưu, tư vấn cho Bộ về chiến lược, chính sách đang gặp khó khăn trong việc hoạch định chính sách về tài nguyên và môi trường bởi cho đến nay vẫn chưa có được một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của ngành. Mặc dù trong những năm qua, công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách của ngành tài nguyên và môi trường cũng như từng lĩnh vực cụ thể đã đạt được những thành tích nhất định nhưng đánh giá khách quan thì các chiến lược hoặc chính sách hiện hành còn bộc lộ các bất cập, hạn chế. Như đã phân tích ở trên thì nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là sự thiếu thông tin, dữ liệu trong quá trình nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách, hay nói cách khác, thiếu cơ chế quản lý, bổ sung, tập hợp các thông tin, dữ liệu, đặc biệt là các thông tin liên quan tới chiến lược, chính sách về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển của ngành cũng như của các ngành liên quan và của cả đất nước.
 
Văn phòngviện Chiến lược, Chính sách TNMT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây