Hiện trạng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường

Thứ ba - 23/06/2009 19:25

 
Thông tin chung:
Ngành tài nguyên và môi trường có phạm vi quản lý rộng lớn, bao gồm 7 lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo. Hầu hết các lĩnh vực được hình thành từ rất lâu, có bề dày lịch sử, do vậy các thông tin, số liệu, dữ liệu của ngành nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng rất lớn, đa dạng và đang được quản lý, sử dụng ở từng lĩnh vực cụ thể và việc chia sẻ thông tin giữa các lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn mặc dù cùng trong một ngành. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Công nghệ thông tin (trước đây là Trung tâm Thông tin) xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên và môi trường. Theo đó, các thông tin, dữ liệu của 07 lĩnh vực cụ thể(1) và của toàn ngành tài nguyên và môi trường sẽ được thu thập, quản lý chung thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành. Với việc tích hợp tập trung, thống nhất các thông tin, dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường đã mở ra cơ hội cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được tiếp cận thông tin đầy đủ nhất về tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và chia sẻ thông tin của ngành tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, các thông tin, dữ liệu của ngành hiện đang được lưu giữ, quản lý ở 07 lĩnh vực cũng như cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên và môi trường do Cục công nghệ thông tin quản lý vẫn chưa được hoàn toàn đầy đủ các thông tin có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tương tự như các lĩnh vực cụ thể như: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo, các thông tin trong cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên và môi trường mới chỉ dừng lại ở 02 nhóm thông tin, dữ liệu chủ yếu sau đây:
- Hiện trạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường (từ các hoạt động điều tra cơ bản, thống kê, kiểm kê và nghiên cứu khoa học).
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (hiện đang được hệ thống hoá ở các cơ quan, đơn vị khác nhau theo các tiêu chí, cách thức khác nhau).
Thêm vào đó, các thông tin, dữ liệu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện đang còn được lưu giữ, quản lý rải rác ở nhiều bộ, ngành khác nhau. Số lượng thông tin này được đánh giá là rất lớn và chưa được thu thập, quản lý thống nhất. Điều này đang gây trở ngại rất lớn cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc khai thác, tiếp cận thông tin để đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tế.

1. Lĩnh vực đất đai:
Thông tin, dữ liệu về đất đai hiện đang được quản lý bởi Tổng cục Đất đai (trước đây được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau như Viện Nghiên cứu Địa chính, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai, Vụ Đất đai). Đến nay, thông tin về đất đai đã được nghiên cứu, xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin, gắn với yêu cầu quản lý và tác nghiệp của công tác quản lý đất đai. Hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính chi tiết đến từng thửa đất quản lý phân cấp tại địa phương, hệ thống bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp: tỉnh, huyện, xã vào các năm kiểm kê đất đai (5 năm 1 lần) cùng với các số liệu thống kê trên cả nước, hệ thống bản đồ quy hoạch sử dụng đất… đều chứa đựng những thông tin dữ liệu được tổ chức theo hướng GIS.
Theo phân cấp quản lý về đất đai, cơ sở dữ liệu tích hợp tại Trung ương
không lưu trữ thông tin chi tiết về từng thửa đất. Thông tin về đất đai trong cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên môi trường là những thông tin phục vụ quản lý nhà nước cấp vĩ mô như: thông tin về hiện trạng cấp giấy chứng nhận, thông tin quy hoạch cấp cả nước, cấp vùng và cấp tỉnh, tiềm năng sử dụng đất, số liệu thống kê, kiểm kê đất đai vv...
Các thông tin, dữ liệu về đất đai hiện nay bao gồm:
- Thông tin về hiện trạng sử dụng đất;
- Thông tin về quy hoạch sử dụng đất;
- Thông tin về kế hoạch sử dụng đất;
- Thông tin về tiềm năng sử dụng đất;
- Thông tin về thổ nhưỡng;
- Thông tin về bản đồ địa chính;
- Thông tin về hồ sơ địa chính;
- Dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được thống kê theo định  kỳ hàng năm và 5 năm.
Bên cạnh các thông tin nêu trên, lĩnh vực quản lý đất đai cung cấp hệ thống các bản đồ: (1) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất toàn quốc, (2) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất các vùng kinh tế, (3) Bản đồ quy hoạch sử dụng đất toàn quốc và (4) Bản đồ quy hoạch sử dụng đất các vùng kinh tế.

2. Lĩnh vực tài nguyên nước
  Thông tin về tài nguyên nước bao gồm các bộ dữ liệu thuộc phạm vi Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý (đầu mối là Cục Quản lý tài nguyên nước) và các thông tin, bộ dữ liệu thuộc phạm vi các ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương... Các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thuộc phạm vi Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm có:
- Bộ dữ liệu về khí tượng và khí hậu (nội dung thông tin về tài nguyên nước có nhiều điểm chung với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và lĩnh vực môi trường);
-    Bộ dữ liệu về chất lượng và số lượng nước mặt;
-    Bộ dữ liệu về chất lượng và số lượng nước ngầm;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho thuỷ lợi;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho công nghiệp;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho thuỷ sản;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho giao thông;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước để phát triển thuỷ điện;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho sinh hoạt đô thị và nông thôn;
-    Bộ dữ liệu về sử dụng nước cho các công trình thuỷ lợi và phòng chống lụt bão
Hiện tại, chỉ có thể tập trung vào các bộ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ dữ liệu khác sẽ thu thập và phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngành Tài nguyên nước cung cấp các bản đồ sau:
          - Tài nguyên nước mặt
            - Tài nguyên nước dưới đất
            - Công trình khai thác nước
            - Bản đồ công trình cấp nước Đô thị
        - Dữ liệu đặc trưng cho các cấp hành chính thuộc chương trình UNICEF
        - Thông tin vị trí, các thông số địa chất thủy văn cho các giếng nước

3. Lĩnh vực khoáng sản
Thông tin về địa chất khoáng sản do Trung tâm Thông tin lưu trữ địa chất
quản lý. Các thông tin tham gia vào cơ sở dữ liệu tích hợp là dữ liệu bản
đồ, gồm bản đồ địa chất, địa vật lý, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa
chất môi trường, bản đồ giải đoán ảnh, bản đồ hiện trạng các công trình đang
khai thác, các bản đồ chuyên đề khác.
Tài liệu địa chất. Tài liệu bao gồm các bản thuyết minh về các kết quả nghiên cứu về địa chất (địa tầng, cấu trúc, trầm tích, xâm nhập, phun trào), về địa mạo, phong hoá và đặc biệt là về khoáng sản (kim l­ượng, trọng sa).., gồm các bản thuyết minh, các loại bản đồ (địa chất, kiến tạo, địa mạo, trầm tích đệ tứ, khoáng sản, vỏ phong hoá, trọng sa, kim lư­ợng, ...), các số liệu về phân tích trọng sa, kim lư­ợng, sổ mỏ.
Tài liệu khoáng sản. Các báo cáo điều tra khoáng sản trình bày các kết quả tìm kiếm, thăm dò, đánh giá về khoáng sản tại các mỏ, điểm quặng gồm các bản thuyết minh về kết quả điều tra về địa chất mỏ, cấu trúc mỏ và các thân quặng, về trữ lượng khoáng sản, chất lượng quặng,... và các đánh giá về giá trị và điều kiện khai thác mỏ, các bản đồ địa hình, địa chất, khoáng sản, các bình đồ mặt cắt tính trữ lượng khoáng sản, các phụ lục trình bày về các số liệu phân tích quặng và các kết quả nghiên cứu kỹ thuật làm giầu và chế biến khoáng sản, các bảng tính và thống kê trữ lượng khoáng sản, các số liệu về địa chất thuỷ văn, địa chất công trình phục vụ cho việc nghiên cứu các điều kiện khai thác mỏ.
Tài liệu địa vật lý. Các báo cáo địa vật lý trình bày các kết quả nghiên cứu về địa vật lý theo các phương pháp: điện, trường từ (mặt đất và hàng không), trọng lực, phóng xạ,... gồm các bản thuyết minh, các phân tích dị thường, các bản đồ trường từ, bản đồ phóng xạ, bản đồ trường trọng lực, bản đồ điện trở xuất,... các số liệu đo vẽ và các kết quả tính toán về các tham số địa vật lý tại các vùng điều tra.
Tài liệu địa chất thuỷ văn. Các báo cáo địa chất thuỷ văn và địa chất trình bày các kết quả điều tra, đánh giá và dự báo các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình của các tầng chứa nước, nghiên cứu động thái, đánh giá trữ lượng và chất lượng nước dưới đất,... gồm các bản thuyết minh, các bản đồ địa chất thuỷ văn địa chất công trình, các biểu đồ quan trắc động thái nước dưới đất,... các số liệu quan trắc về động thái, các số liệu phân tích thành phần hoá học, thành phần vi trùng của nước, các số liệu phân tích tính chất cơ lý của đất đá, các tính toán tham số địa chất thuỷ văn địa chất công trình, các tính toán trữ lượng nước,...
Các báo cáo địa chất đô thị trình bày các kết quả điều tra về địa chất, địa mạo, khoáng sản, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất môi trường, tình trạng sử dụng đất, hiện trạng đô thị,... gồm các bản thuyết minh, các bản đồ, số liệu minh giải về các kết quả điều tra về các lĩnh vực đã nêu.
Các thông tin dữ liệu về hiện trạng, phân bố và trữ lượng tài nguyên khoáng sản đã có ở nhiều dạng thức, trong đó gồm cả dữ liệu không gian. Việc xác định nhu cầu, nội dung và chuẩn hoá dữ liệu để xây dựng danh mục dữ liệu có thể tích hợp với cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường đang được tiến hành.
Ngành Địa chất khoáng sản cung cấp các bản đồ sau:
       - Bản đồ địa chất các tỷ lệ
- Điều tra địa chất
- Diện tích điều tra thăm dò địa chất
- Lỗ khoan điều tra thăm dò khoáng sản
- Thông tin khoáng sản trên nền bản đồ
- Thông tin quản lý hoạt động khoáng sản

4. Lĩnh vực môi trường
Thông tin về môi trường do Tộng Cục môi trường quản lý (trước đây là Cục Bảo vệ môi trường). Sau nhiều năm đầu tư Tổng Cục đã xây dựng được một hệ cơ sở dữ liệu môi trường bao gồm nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau nhằm cung cấp thông tin cho các cấp quản lý và cộng đồng. Ngoài các cơ sở dữ liệu mang tính thông tin chung như Văn bản pháp quy môi trường, Quản lý cán bộ môi trường, Tin tức, sự kiện, Công nghệ, Dự án,... các cơ sở dữ liệu chuyên môn bao gồm:
- Cơ sở dữ liệu an toàn hoá chất: Quản lý và lưu trữ thông tin có liên quan đến các hoá chất độc hại phục vụ nhu cầu tìm kiếm và tra cứu thông tin.
- Cơ sở dữ liệu sách đỏ Việt Nam: Cung cấp thông tin liên quan đến các loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng trong sách đỏ Việt Nam.
- Cơ sở dữ liệu chỉ tiêu thống kê môi trường: Số liệu về 316 chỉ tiêu thống kê môi trường thuộc 17 chuyên đề của Bộ chỉ tiêu thống kê môi trường Việt Nam.
- Thiết lập và ứng dụng chuẩn cơ sở dữ liệu GIS môi trường Việt Nam (1999), xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về rừng ngập mặn của Việt Nam từ 1990 đến 1995 (1997), cơ sở dữ liệu GIS cho Hà Nội, khu công nghiệp Dung Quất và vùng trọng điểm phía Nam, cơ sở dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, các cơ sở dữ liệu GIS về tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho gần 40 tỉnh và 7 ngành.
Các thông tin môi trường có thể thu thập gồm:
1. Trạm quan trắc
Sơ đồ phân bố các trạm quan trắc môi trường (điểm): hoá học, phóng xạ, lao động, nền, vùng ven biển, vùng đất liền, đất, mưa axit, phòng thí nghiệm, trạm quản lý đầu mạng.
2- Hiện trạng rừng
- Khu vực có rừng, không có rừng;
- Biểu đồ các kiểu rừng: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất;
- Phân bố rừng đặc dụng: vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
3- Các khu bảo tồn đất ngập nước, biển
- Các loại đất ngập nước: vùng bảo tồn biển, đầm phá ven biển, hồ nhân tạo, hồ tự nhiên, ranh giới bảo tồn;
- Vùng đất ngập nước: bãi bùn đầm lầy, núi đá đá vôi, vùng cát, rừng phi lao,...
- Vùng bảo tồn biển: các đới (du lịch, lõi, sinh vật, đệm,...)
4- Sự cố môi trường
Do thiên tai bão lụt: người chết mất tích, thiệt hại tiền, diện tích lúa hoa màu, cây ăn quả cây công nghiệp, gia súc gia cầm,... (theo tỉnh).
5- Các khu vực nhạy cảm môi trường
Phân bố các khu vực theo mức độ nhạy cảm.
6- Các cơ sở gây ô nhiễm
- Phân bố: cơ sở kinh doanh, khu vực chứa chất độc hoá học Mỹ sử dụng trong chiến tranh, bệnh viện, kho thuốc bảo vệ thực vật, bãi rác,...
- Biểu đồ (phân theo tỉnh).
- Phân bố ô nhiễm làng nghề: chế biến nông sản thực phẩm dược liệu, mỹ nghệ mộc, tái sinh chất thải, dệt nhuộm da giày, vật liệu xây dựng,..
- Vùng có khả năng ô nhiễm.
7- Tình trạng ô nhiễm môi trường
- Nước thải;
- Rác thải (chất thải rắn);
- Khí thải;
- Môi trường đất.
Nói chung, thông tin và dữ liệu môi trường đã có, đối với Dự án, một mặt tiếp tục đầu tư tăng cường xây dựng, thu thập và xác định nội dung, chuẩn hoá, tổng hợp để xây dựng danh mục dữ liệu, tích hợp vào cơ sở dữ liệu chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

5. Lĩnh vực khí tượng thuỷ văn
Dữ liệu khí tượng thuỷ văn có đặc điểm là khối lượng rất lớn và mang tính thời sự. Các đặc điểm khí tượng và thủy văn của Việt Nam hay khí hậu của từng vùng, khu vực đã được điều tra, thống kê. Các thông tin gắn với trạm quan trắc, các trạm phân bố trên cả nước, toàn bộ thông tin tư liệu ngành được lưu tại Trung tâm tư liệu Khí tượng Thuỷ văn.
Các chủng loại tài liệu có trong kho Tư liệu Khí tượng thuỷ văn bao gồm số liệu đo đạc và lưu trữ từ đầu thế kỷ 1900 cho đến nay của các bộ môn Khí tượng thuỷ văn.
1. Tài liệu Khí tượng bề mặt;
2. Tài liệu Bức xạ;
3. Tài liệu Khí tượng cao không;
4. Tài liệu Khí tượng nông nghiệp;
5. Tài liệu Hải văn;
6. Tài liệu Thuỷ văn.
Dữ liệu khí tượng thuỷ văn rất nhiều, tuy nhiên phần lớn là số liệu gốc, phục vụ cho nhiều mục đích. Chưa có nhiều dữ liệu tổng hợp, tổ chức dưới dạng không gian với tiềm năng tích hợp với các lớp thông tin ngành tài nguyên môi trường. Để làm đầu vào cho cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường sẽ cần những xúc tiến đầu tư thu thập và xây dựng danh mục dữ liệu và tích hợp với cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường, trong đó chú trọng đến các dữ liệu với định hướng GIS.

6. Lĩnh vực đo đạc bản đồ
Thông tin, dữ liệu về lĩnh vực đo đạc bản đồ hiện chủ yếu được quản lý bởi Cục Đo đạc bản đồ và Nhà xuất bản bản đồ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các dữ liệu nêu trên bao gồm:
- Mạng lưới toạ độ quốc gia cấp "0", hạng I, II gồm 1736 điểm phủ trùm toàn quốc, mạng lưới địa chính cơ sở (tương đương toạ độ hạng III) gồm trên 13.000 điểm phủ trùm toàn quốc.
- Mạng lưới độ cao quốc gia hạng I, II, III, IV phủ trùm toàn quốc.
- Mạng lưới trọng lực quốc gia hạng I, II phủ trùm toàn quốc.
- Hệ thống trạm GPS cố định: 5 trạm trong đó có 3 trạm phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung.
- Dữ liệu bản đồ địa hình tỷ lệ 1/1.000.000, 1/500.000, 1/250.000, 1/100.000. Bộ dữ liệu 1/50.000 phủ trùm toàn quốc. Tỷ lệ 1/25.000, tỷ lệ 1/10.000 khu vực kinh tế trọng điểm. Tỷ lệ lớn ở các đô thị.
- Dữ liệu ảnh hàng không, vệ tinh.
- Các loại bản đồ khác gồm:
+ Bộ bản đồ địa giới hành chính 364/CT các cấp tỉnh, huyện, xã của cả nước;
+ Bản đồ hành chính cả nước, bản đồ hành chính 61 tỉnh;
+ Bộ bản đồ biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc tỷ lệ 1/50.000;
+ Bản đồ địa hình đáy biển một số khu vực.
Việc quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc bản đồ chủ yếu được dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, quy phạm, các quy chế, các định mức kinh tế kỹ thuật…. Mặc dù đây là một khối lượng văn bản rất lớn, tuy nhiên phần lớn các văn bản này đã được ban hành rất lâu và hầu hết là ở dạng in trên giấy trong khi đó yêu cầu đáp ứng thông tin tức thời nhằm nâng cao chất lượng quản lý kinh tế, chất lượng sản phẩm lại đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là một hạn chế không nhỏ trong việc quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ hiện nay. Hơn nữa, về thực chất Cục Đo đạc và Bản đồ vốn đã ra đời từ rất lâu (1959) do vậy hiện nay việc thu thập lại toàn bộ các văn bản đã được ban hành cũng là một việc không dễ dàng, đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức.
Chỉ tính riêng từ năm 1994 (năm thành lập Tổng cục Địa chính) đến nay đã có khoảng 40 văn bản tương đối hoàn chỉnh phục vụ quản lý Nhà nước về đo đạc bản đồ bao gồm các qui phạm, ký hiệu bản đồ, qui định kỹ thuật, qui chế, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật…
Truớc đây, Trung tâm Thông tin Lưu trữ tư liệu địa chính (cũ) cũng đã xây dựng và ban hành tập “Thông báo tư liệu đo đạc bản đồ” nhưng đối tượng chủ yếu lại là cho người sử dụng chứ không phải để phục vụ cho việc quản lý ở tầm vĩ mô, hơn nữa tập thông báo tư liệu này lại là bản phát hành trên giấy. Trong khi đó, để nâng cao chất lượng quản lý công tác đo đạc bản đồ thì mỗi cán bộ công chức của Cục Đo đạc và Bản đồ cần phải theo dõi và cập nhật thường xuyên các thông tin về đo đạc bản đồ. Công việc này chỉ có thể được thực hiện một cách tốt nhất với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đây cũng là một hạn chế nữa của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc hiện nay.
Sau khi Nghị định 12/2001/NĐ-CP ngày 22/01/2001 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ được ban hành, một công việc khác không kém phần quan trọng của Cục Đo đạc và Bản đồ là hướng dẫn các Bộ, Ngành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có tham gia hoạt động đo đạc bản đồ đăng ký hoạt động đo đạc bản đồ và thực hiện các hoạt động đo đạc bản đồ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất. Hiện nay, toàn bộ các hồ sơ đăng ký hoạt động đo đạc bản đồ của các đơn vị, tổ chức này đều ở dạng trên giấy do vậy việc quản lý, theo dõi các đơn vị trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng các đơn vị được cấp phép đã lên tới hàng trăm và dự kiến sẽ còn tăng lên rất nhiều trong tương lai khi Thông tư hướng dẫn đăng ký hoạt động đo đạc bản đồ ra đời. Do vậy để quản lý có hiệu quả thì không có cách nào khác là phải đưa toàn bộ các hồ sơ này vào cơ sở dữ liệu để thuận tiện cho việc theo dõi giám sát các đơn vị có thực hiện theo đúng phần việc được cấp phép hay không, có thực hiện các công tác đo đạc bản đồ khi giấy phép đã hết hạn sử dụng hay không…
Công tác quản lý hoạt động đo đạc bản đồ ở Cục Đo đạc và Bản đồ hiện tại còn rất thủ công. Thông tin phục vụ quản lý còn tản mạn, truy tìm khó khăn và mất thời gian. Việc chia sẻ thông tin ít và rất hạn chế. Tất cả những điều đó ảnh hưởng rất lớn đế việc xử lý và ban hành các quyết địng quản lý nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Với lực lượng cán bộ quản lý có hạn như hiện nay công tác quản lý đang gặp và sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn nếu không đổi mới.
Với hiện trạng dữ liệu về đo đạc – bản đồ như vậy, để làm đầu vào cho cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường sẽ cần những xúc tiến đầu tư thu thập và xây dựng danh mục dữ liệu ngành đo đạc bản đồ và tích hợp với cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường, trong đó chú trọng đến các dữ liệu GIS.

7. Lĩnh vực biển và hải đảo
Là lĩnh vực mới được thành lập, còn rất non trẻ nhưng qua hơn 70 năm hoạt động điều tra cơ bản, khảo sát biển, đặc biệt quan trọng là từ những năm 60 tới nay, các cơ quan quản lý, nghiên cứu biển ở nước ta đã thu được một khối lượng lớn số liệu, dữ liệu về tài nguyên môi trường biển Việt Nam. Đây là vốn dữ liệu quý về biển, tuy nhiên chưa được quản lý sử dụng thống nhất. Thông tin dữ liệu còn nằm phân tán ở nhiều ngành (thông thường cơ quan đơn vị sản xuất dữ liệu trực tiếp lưu giữ quản lý dữ liệu), chưa được tổ chức quản lý thành hệ thống để phục vụ tra cứu, cung cấp tạo nguồn thông tin tin cậy cho hoạt động quản lý, nghiên cứu và ra quyết định.
Việc thu thập, quản lý, sử dụng tư liệu về biển ở nước ta có những đặc điểm sau:
1- Về mặt quốc gia, chưa có đơn vị nào là đầu mối chủ trì trong việc quản lý tư liệu biển, thông tin dữ liệu còn nằm phân tán ở nhiều Bộ, ngành, chưa được tập trung quản lý. Khối lượng dữ liệu điều tra khảo sát biển hiện có ở các cơ quan là rất lớn, song việc lưu trữ, quản lý hiện nay ở các cơ quan lại rất khác nhau. Các quy định về giao nộp, sử dụng dữ liệu ở nhiều cơ quan còn chưa chặt chẽ, chất lượng dữ liệu còn chưa kiểm soát đánh giá được. Nhiều cơ quan còn chưa hình thành được bộ phận chuyên trách quản lý dữ liệu,  chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc thu nhận, lưu giữ, kiểm soát chất lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu. Hệ quả tất yếu là tình trạng nắm giữ riêng thông tin, không sẵn sàng chia sẻ thông tin là phổ biến trong hệ thống các cơ quan có liên quan, nhiều cơ quan coi thông tin như tài sản riêng của mình, chưa tạo điều kiện thuận lợi trao đổi thông tin với các cơ quan khác. Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường biển chưa thực sự trở thành tài sản chung của quốc gia.
Tình hình này có nhiều nguyên nhân, song trước hết là nguyên nhân về thể chế. Quản lý tài nguyên môi trường biển là vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng và trên thực tế đã được lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên đến trước Nghị định 101/2007/NĐ-CP nước ta chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng về quản lý tài nguyên môi trường biển nói chung và chính sách quản lý thông tin tư liệu tài nguyên môi trường biển nói riêng; chưa có một khuôn khổ thể chế bao gồm những luật lệ, quy chế rõ ràng, chặt chẽ về việc giao nộp, quản lý, cung cấp, sử dụng tư liệu, dữ liệu áp dụng chung cho các cơ quan liên quan và thống nhất trên cả nước. Nghị định ra đời đã tạo ra cơ sở đầu tiên cho việc đưa quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường biển vào một khung pháp lý vững chắc.
2- Mặc dù số lượng rất lớn song vấn đề quan trọng không kém là chất lượng dữ liệu: dữ liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Có tình trạng thông tin vừa thiếu lại vừa thừa, nhiều trường hợp các thông tin cần thu thập rất thiếu, trong khi thông tin đã thu thập lại chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có số liệu còn mâu thuẫn nhau. Để có thể đưa vào quản lý sử dụng dữ liệu phải đánh giá chất lượng dữ liệu để đảm bảo dữ liệu đã công bố được thẩm định, có được giá trị pháp lý.
3- Trình độ kỹ thuật của việc quản lý dữ liệu ở các cơ quan không đồng đều. Khối lượng lớn thông tin được lưu trữ một phần ở dạng dữ liệu thô, một số đã có ở dạng số, có khi còn ở dạng giấy, nhưng nói chung chưa được tổ chức hợp lý làm chậm chạp và phức tạp trong việc tìm kiếm, chưa thuận tiện cho người quản lý hay cho công chúng khai thác sử dụng tư liệu. Đã có những áp dụng công nghệ thông tin nhưng chưa theo một định hướng thống nhất, chưa sử dụng được nhiều các kỹ thuật hiện đại như quản trị cơ sở dữ liệu và phân phối thông tin trên mạng, Internet, GIS,...
4- Các dữ liệu biển được thu thập theo các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản hiện nay thường được lưu trữ trên một số khuôn dạng chuẩn theo từng lĩnh vực chuyên môn, chưa hướng đến chuẩn thống nhất quốc gia và quốc tế. Dữ liệu chưa theo chuẩn thống nhất gây khó khăn cho trao đổi, sử dụng và hội nhập.
5- Dữ liệu biển thể hiện tính chất không gian còn yếu, chưa có một bộ bản đồ nền biển làm cơ sở cho các hoạt động điều tra về các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy mà các kết quả điều tra đã có chưa có độ chính xác vị trí cao và thống nhất về mặt định vị không gian, gây khó khăn cho phân tích và quản lý tổng hợp dữ liệu của các lĩnh vực khác nhau, hạn chế trong hợp tác quốc tế và xác định ranh giới lãnh thổ.
6- Quan hệ trao đổi dữ liệu biển với các nước và các tổ chức quốc tế chỉ mới bắt đầu, chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Chưa thực sự nhập cuộc với các hoạt động trao đổi dữ liệu biển quốc tế, vì vậy chưa tranh thủ được nhiều sự hỗ trợ quốc tế về đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, công nghệ và trao đổi dữ liệu trong lĩnh vực này.
Nói chung, tình hình quản lý dữ liệu biển, trình độ kỹ thuật về quản lý, khai thác sử dụng ở nước ta còn chậm so với trình độ phát triển của thế giới về tất cả các mặt: khuôn khổ pháp lý, tổ chức và kỹ thuật, công nghệ. Cho đến trước Nghị định 101, Nhà nước chưa có một chính sách rõ ràng toàn diện, thống nhất về quản lý và khai thác dữ liệu biển, chưa có được hệ thống quy định chặt chẽ được các cơ quan các ngành tuân thủ, vì vậy chưa thường xuyên nắm được tình hình dữ liệu biển hiện có trong từng giai đoạn để có quyết định đúng trong việc đầu tư điều tra khảo sát. Cũng chưa có một tổ chức được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý dữ liệu biển cấp quốc gia làm nòng cốt và điều hành việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tham gia hoạt động trao đổi dữ liệu hải dương quốc tế trên danh nghĩa quốc gia.
Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo đang là đơn vị đầu mối thiết kế, xây dựng và triển khai đề án tổng thể, Dự án "Xây dựng, hệ thống hoá cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam" được lập kế hoạch từ năm 2007 đến năm 2011 và tầm nhìn đến 2020, bao gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2007 - 2011): Hoàn thành cơ bản hệ thống cơ sở dữ liệu và quy chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển.
Giai đoạn 2 (2012 - 2020): Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao, kiện toàn cơ chế hoạt động của tổ chức.
Kết quả giai đoạn 1 của Dự án cơ sở dữ liệu biển quốc gia sẽ cấp phát một phần danh mục dữ liệu liên quan đến lĩnh vực biển, làm đầu vào cho cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường. Yêu cầu đặt ra ở đây cần có sự thống nhất về chuẩn hóa dữ liệu trao đổi trong hệ thống danh mục, là nguyên tắc cơ bản cho việc tích hợp dữ liệu vào cơ sở dữ liệu chính sách tài nguyên và môi trường.
8.

Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành cơ sở dữ liệu tích hợp với nội dung tập trung vào phát triển hệ thống phần mềm và xây dựng dữ liệu cho hệ thống với những nội dung:
- Cơ sở dữ liệu tích hợp tài nguyên môi trường, người sử dụng có thể khai thác thông tin của các chuyên ngành khác nhau, thực hiện các phân tích trên nhiều lớp dữ liệu. Hệ thống cung cấp công cụ phân tích GIS, hiển thị kết quả trực quan bằng bản đồ.
- Cơ sở dữ liệu tích hợp lưu giữ thông tin chung của ngành, cùng với thông tin chi tiết của các đơn vị thuộc các lĩnh vực tạo thành một hệ thống thông tin tổ chức phân cấp theo chức năng được Bộ giao. Cơ chế này sẽ hỗ trợ tốt việc trao đổi và cập nhật thông tin của ngành.


 
Văn Phòng viện Chiến lược, Chính sách TNMT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây